Tập truyện ngắn Mic. Cao Danh Viện

CÙNG MẸ CHÚNG TÔI ĐI

LỜI ĐẦU

Xin được ghi lại Những câu chuyện có thực Đã xuyên qua cuộc đời hoạt động tông đồ với Mẹ Và lưu lại trong anh em chúng tôi Những cảm nghiệm sâu sắc Những công việc này, không là niềm vinh dự , không là tự hào thành quả, và cũng không hề mưu ích công trạng gì cho anh em chúng tôi. Nhưng Là lời tri ân sâu xa đối với Chúa và Mẹ Maria Đấng đã dẫn dắt chúng tôi , đã cho chúng tôi dự phần vào công cuộc làm chứng cho Đức Giêsu Phục sinh, bằng những công việc đời thường, trong cương vị là những người giáo dân trong Hội Thánh. Ước gì , qua những câu chuyện này Anh em chúng tôi cảm nếm được tình Chúa yêu thương , cảm nhận được hiệu quả lớn lao khi cùng Mẹ thi hành công tác, và gắn bó với nhau hơn trong việc tông đồ. Ươc gì , với những câu chuyện này Làm cho chúng tôi được chia sẽ cho nhau những kinh nghiệm trong những cuộc thăm viếng , được chia sẻ với những hiện thân của Chúa bằng sự đồng cảm sâu sắc với tinh thần nhìn thấy và hầu hạ Chúa Kito ngự trong mình anh em chúng con Và , ước gì, những cảm nếm ấy, những công việc ấy , và những chia sẻ ấy Sẽ là con đường dẫn đưa chúng tôi đến với Chúa và Mẹ Maria.Đấng làm chủ cuộc đời chúng tôi, luôn luôn yêu thương chúng tôi và cho chúng tôi niềm hạnh phúc với Ngài

1. 2. 3. 4. 5. 6. 7. 8. 9.

Lời đầu Bà Hai Ớt Từ lòng nhân hậu Rộn ràng mùa hoa soan Dã quỳ hương Để yêu và được yêu Thánh vật của cha Người con của Lòng Thương Xót Hoa hồng nở muộn

Bà hai ớt

Một… Đám trẻ xóm chùa thường gọi bà là bà ma.có lẽ vì bà có giọng nói the thé,không rõ tiếng ,cộng với đôi chân tật nguyền.Mỗi lần di chuyển bà phải chống đôi tay xuống đất,để đưa cái thân còm nhom đi tới đi lui… Nằm giữa thị trấn xôn xao tấp nập,ở sát bên bức tường cao nghệu của nhà chùa,nhà bà ma là một chòi lá nho nhỏ,chật hẹp và rách nát.Vách nhà được che bằng những tấm liếp tre đã củ mục.Trong cái không gian nhỏ bé ấy,chỉ vừa đủ để kê một cái sạp làm bằng gỗ tạp,đó là chỗ qua đêm của bà.Cạnh cái sạp là một lối đi nhỏ,ở cuối lối là một cái bàn con ,nơi đặt cái bếp dầu,vài cái chén,đôi đũa.. Gia tài của bà vỏn vẹn chỉ có bấy nhiêu,cộng thêm một ít quần áo,mùng mền nhàu nát,phảng phất một mùi ẩm mốc ,khó chịu. Buổi tối,khi thị trấn rực đèn điện,thì con hẽm của bà lại tối om om!Bà lặng lẽ châm ngọn đèn trong nhà rồi ra cửa hóng gió.Cái ành sáng mù mờ của ngọn đèn dầu làm tăng thêm vẻ ảm đạm của con hẻm vốn đã vắng lặng.Bà ngồi đó,cô đơn lặng lẽ.Chính cái lặng lẽ của bà đã làm cho con hẻm vắngvẻ lại càng vắng vẽ hơn. Đám trẻ con hầu như không dám qua lại con đường này. Đã vắng,mỗi ngày càng thêm vắng vì chúng nó kháo với nhau rằng con hẻm này có một bà ma…. Thế mà thằng Nghĩa ngày phải hai lần đưa cơm cho bà.Ban đầu nó rất sợ,nhưng lau dần thấy quen.Mà dẫu sao nó vẫn đi ban ngày,sau mỗi lần đi học về,còn ban đêm nó không dám đi.Không phải vì nó sợ bà ma,nhưng nó sợ từ những tin đồn ác miệng từ đám con nít.Thằng Nghĩa không hứng thú gì về việc đem cơm cho bà ma hằng bữa,nhưng là vì nó vâng lời nội nó,cho nội nó vui lòng.Nội thằng Nghĩa là ông Tư Mù,làm nghề coi bói ỡ xóm chùa này.Không biết ông Tư coi đúng sai thế nào mà ngày nào cũng có dăm ba người khách,kẻ coi tuổi,người coi ngày...kể cả người bị mất trộm,nhờ vậy mà thằng Nghĩa mới có cái an qua ngày. Hai hôm nay ỡ gần nhà thằng Nghĩa có một gia đình mới dọn tớ ở.Có một điều là xóm này được gọi là xóm chùa mà nhà này thì theo đạo Chúa!Trong nhà có đông anh em_nhưng có cậu Út cỡ bằng tuổi nó.Thế là nó lân la làm quen.Dễ ợt! thằng Thiện mới tới chưa có bạn,chỉ cần vài ván

bi thôi thì nó có thể làm ban với thằng Nghĩa rồi!Thằng Thiện lớn hơn thằng Nghĩa một tuổi,lớn hơn một lớp. Trưa hôm nay tan học về thằng Nghĩa chờ Út Thiện.Hai đứa rủ nhau đem cơm cho bà ma và chiều cũng vậy.Dần dần rồi hai đứa cũng có một thời khoá biểu nhất định để đem cơm cho bà ma.Những ngày rằm thì ỡ chùa có ngày cúng thí mà mọi người quen gọi lá cúng cô hồn.Hai đứa vào chùa xin cơm và đồ ăn chay để cho bà ma có được một bữa ăn phong phú hơn Không biết từ lúc nào hai đứa nó không còn sợ bà ma nữa,mà ngược lại tình cảm của hai trẽ một già mỗi ngày một khăng khít.Có một lần bà ma hỏi thằng Thiện lúc nó mang cơm chùa cho bà: _Con đi lễ phật rồi xin cơm cho bà hã? Thằng Thiện hồn nhiên trả lời: _Dạ không! Con chỉ đi xin cơm cho bà thôi! Nhà con đạo Chúa mà! _Đạo Chúa mà con vào chùa con không sợ sao? _Có gì đâu phải sợ! Phật cũng hiển queo mà sợ gì?hơn nữa,con chỉ xin cơm cho bà chớ con có làm gì đâu mà sợ! Bà mỉm cười nhè nhẹ: _biết con vào chùa , ba mẹ con không rầy sao ? _dạ không! rồi bỗng dưng giọng bà trở nên xót xa _lũ trẻ ở đây gọi bà là bà ma, con không sợ sao? _dạ không! _còn thằng Nghĩa ? Bà hỏi cách bất ngờ,làm thằng Nghĩa lúng túng ,nó ợm ờ: _dạ…. hôm trước ,thì con có hơi sợ.Nay đi cùng thằng Thiện,thì con không sợ nữa! _sao dzậy con? _dạ…thằng Thiện nói nó Đạo chúa,nó không sợ ma, nên con cũng …hết sợ! Bà cười chua chát: _chỉ có hai thằng con thôi,cả xóm này,con nít nó né tránh bà như sợ ma!lại còn gọi bà là bà ma nữa chứ! Mà bà có làm gì hại ai đâu ? Thằng Thiện nghe nghèn nghẹn trong cổ họng!nó cảm thấy tội nghiệp cho bà làm sao ấy.bất chợt,nó buông giọng nho nhỏ : _vậy… tụi con gọi …bà là gì ? _Bà thứ hai! người ta gọi bà là bà Hai Ớt!,chắc tại ớt cay nên chẳng mấy ai thân thiện. Hay tại mình nghèo khổ, tàn phế mà……….. Rơi vào yên lặng…Bà Hai bỏ lỡ câu nói…Ba người một già hai trẻ đồng cảm với nhau một điều gì xót xa,buồn buồn………

Hai………. Ông nội của thằng Nghĩa phát bịnh nặng.Cả nhà cuống cuồng lo lắng.Bà nội nó quyết định đưa ông về quê, để nếu có bề gì thì ông Tư cũng được nằm yên thân với ông bà,gia tộc.Thằng Nghĩa đành phải nghỉ học theo nội về quê.Nó bùi ngùi chia tay với thằng Thiện,với bà hai Ớt Thế là thằng Thiện phải thay thằng Nghĩa trong việc đem cơm cho bà Hai Ớt.Nhưng trừ những ngày rằm,mồng một đi xin cơm chùa thì còn lại những ngày khác nó biết làm sao???? Nó muốn nói chuyện với ba má nó-nhưng nó ngại.Nhà nó nghèo lắm,lại đông anh em.Ba má nó lo cái ăn cái học cho anh em nó còn không xuể!nhưng nếu không nói thì nó biết làm sao!Nghĩ tới bà hai bữa đói bữa no mà nó xốn xao trong lòng……… Bưng chén cơm ăn tối với gia đình,bổng dưng nó thở dài đánh thựot một cái,làm cả nhà ngạc nhiên nhìn nó.Ba nó hỏi: _Gì vậy Út!thằng Nghĩa đi rồi, không có bạn chơi hay sao mà buồn thiu vậy? Nó ấp úng đáp: _Dzạ thằng Nghĩa đi rồi,con chưa có bạn mới nào hết,chỉ có một người….. _Là ai? _Dzạ….bà Hai Ớt _Bà Hai Ớt là ai? _Dzạ bả tội nghệip lắm ba ơi!Lúc còn ỡ đây ngày nào ông Tư cũng cho cơm bả hết,bây giờ ông Tư zới thằng Nghĩa đi rồi, giờ còn mình con chơi với bả à, thỉnh thoảng con đi xin cơm chùa mang về cho bả,còn ngày thường thì……… Thấy ba rơi vào im lặng,nó bỗng ngưng giọng rồi nói: _Con nít xóm chùa này hay gọi bả là bà ma,nhưng mà con thấy bả hiền lắm ba ơi! lại còn bị tật nguyền nữa! Ba nó cười hiền từ và thấp giọng với nó: _Con biết thương người ghê hen!Bữa nào rảnh con dẫn ba di thăm bả nghen! _Thiệt hông ba? _Ba nói thiệt mà! Thằng Thiện vui như chính niềm vui của bà Hai _Ăn cơm xong rồi đi luôn được hông ba??? _Ừm! ăn cơm xong con dẫn ba đi Thế là sau lần thăm viếng đó,về nhà ba nó,má nó và nó hội ý với nhau và quyết định mang cơm cháo cho bà Hai mỗi ngày. Thằng Thiện không còn đơn lẻ nữa mà bây giờ đã có thêm anh chị nó tiếp sức cho nó những lúc nó bận đi học…Nhà nó bán hàng ăn,mỗi sáng nó đem cho bà một tô cháo lòng,có khi là một tô bún hoặc một tô hủ tíu…

Thỉnh thoảng chùa có cúng thí nó lại chạy sang xin cơm cho bà.Nhờ thế, bà Hai Ớt tạm thời ổn định như lúc trước. Hổm nay hông biết ở đâu,do đâu mà tuần nào cũng có người đến thăm bà Hai Ớt.Họ gúp bà quét dọn nhà cửa gọn gàng ngăn nắp hơn,có khi lại giặt giũ quần áo.Vì thế cái nhà nho nhỏ dần đựơc tươm tất hơn,rồi mùi ẩm mốc cũng mất đi.Có hôm có người đến sữa nhà cho bà nữa.Họ lợp lại mái tole và thay vào đó là một vách liếp, che bạt xung quanh nhà…Căn nhà một lần nữa được sáng lên và ấm cúng hơn.Bà Hai lúc này có vẻ vui hẳn lên.Bà tươi tỉnh hẳn vì bà không còn cô đơn nữa,chỉ có điều là bà cứ thắc mắc mãi-họ là ai mà cứ thường đi hai người-âm thầm làm việc,chẳng ngại khó khăn dơ bẩn,mà còn làm rất nhiệt tình nữa chứ. Sáng nay thằng Thiện bưng tới cho bà một tô cháo nóng hổi,bốc khói thơm lựng.Vừa bứơc vào cửa đã nghe giọng cùa bà Hai.Vẫn cái giọng the thé quen thuộc nhưng hôm nay xen lẫn một niềm vui. _Thiện tới hả con? Nay cho bà ăn cháo à? _Dzạ _Cám ơn con! Con được nghỉ học để ăn tết chưa? _Dzạ cũng sắp rồi!chắc còn vài ba bữa nữa à! Bà Hai chỉ vô góc rồi nói với thằng Thiện _Con thấy gì đó hông? Thằng Thiện reo lên: _À há!bà Hai vô mánh à nghen! Chuẩn bị ăn tết kỹ há! _Ừa! bà Hai đâu có chuẩn bị .Hôm qua có cái ông nào đó mang đến cho bà Hai chục gạo,mì gói,dầu,đường ,bột ngọt,đủ thứ…nói là cho bà Hai ăn tết! _quen hả bà Hai? _ Quen đâu mà quen!...nghe nói ổng tên Trùm! _ Tên trùm hả ? _Ừa! cái tên gì nghe ngộ quá! Ngẫm nghỉ một lát ,thằng Thiện đính chính: _hổng phải tên trùm đâu bà Hai!mà là ông trùm đó! _Ông trùm là ông gì? Thằng Thiện lúng túng giải thích: _Là…là cái ông cán bộ bên đạo Chúa của tụi con đó! Giọng bà Hai Ớt bùi ngùi: _Ừa hén!Đạo Chúa của con tốt quá hà!hổng có chê người nghèo khổ tàn tật như bà Hai phải không con? Thằng Thiện hỏi tự nhiên: _sao bà Hai hổng theo Dạo Chúa? _.......Bà Hai già rồi… _già trẻ gì mà theo hổng được bà Hai? _.......Vời lại bà theo Phật từ nhỏ Thằng Thiện định nói gì thêm ,nhưng bổng dưng nó thấy sợ bà Hai khó xử,nó sợ bà Hai buồn nên thôi. Bà Hai nói một câu không đâu vào đâu:

_Tám tháng rồi đó con! _Tám tháng gì hở bà Hai? _Thì con đã giúp bà Hai tám tháng rồi đó!Bữa nay là hăm bốn lịch dưới nè! _Bà Hai nhớ kỷ quá!mà nhớ làm gì bà Hai! _Con về nói bà Hai gởi lời cám ơn ba má!nhờ quen biết với con mà nhiều người biết bà Hai,thăm nom và giúp đỡ bà Hai!Bây giờ bà Hai vui lắm!Hết cô đơn rồi! cám ơn con !Cám ơn Đạo Chúa của con nhiều lắm.

Ba _________ Hai mươi tám tết bên chùa có đợt làm từ thiện,giúp người nghèo ăn tết.Có một phái đoàn Phật Tử đem quà qua cho bà Hai,có chụp hình,quay phim…Trong chuyến đi này họ quyết định kéo điện từ chùa sang thắp sáng cho bà Hai một bóng đèn sáu tấc treo giữa nhà,chiếu sáng ra một khoảng sân,ra đến ngoài đường,làm sáng trưng khoảng đường mà con nít không dám đến.Phá tan đi cái không khí ảm đạm u uất của một đoạn đường.Nhờ có điện mà dáng vẻ của bà Hai không còn lặng lẽ,u uất nữa.Bớt đi vẽ cô tịch và đáng sợ. Tết năm nay bà Hai vui hơn năm nào hết,trong nhà có đầy đủ gạo mắm,thức ăn,nước uống, có điện sáng trưng…Nhưng vui hơn cả là có nhiều người đến thăm viếng nói chuyện với bà.Căn nhà nhỏ xíu luôn rộn rã tiếng cười nói.Mới sáng sớm mồng một tết anh em thằng Thiện kéo nhau đến mừng tuổi bà. Đứa lớn thí mừng tuổi bà vài chục ngàn, đứa nhỏ thì giúp bà sửa soạn bình hoa,chén nước! Đúng là vui như tết! bà hai còn ước mong gì nữa! Nhưng rồi......... bà Hai Ớt lại buồn! vì vừa ăn tết xong nhà thằng Thiện lại chuyển chỗ ở, xa lắm!Bà chỉ biết có vậy!Mỗi sáng ngồi trước cửa mà nghe như mất mác một cái gì đó thân thiết lắm! Tuy rằng lúc này có rất nhiều người quan tâm tới bà, có khi thì chùa cho bà vài chục ký gạo,cũng có khi ông Trùm bên đạo Chúa cũng đem gạo,dầu,mắm….tới cho bà và hầu như mỗi tuần có máy bà phụ nữ bên đạo chúa đến thăm non,giúp các việc lặt vặt và chia sẻ với bà…Bà không còn thiếu nữa,không còn cô đơn nữa! Đám con nít ở xóm chùa này không còn ghê sợ bà nữa! Con đường này đã có nhiều người qua lại,cả người lớn lẫn con nít Bà Hai ngồi một mình mà nhớ lại một năm trôi qua với nhiều những thay đổi!Thật nhẹ nhàng và thật ấm cúng.Bà nhớ thằng Nghĩa,thằng Thiện là những người bạn nhỏ của bà! Đặc biệt là sự suất hiện của thằng Thiện, đã đem lại cho bà niềm vui và sự ấm áp.Bà thầm cảm ơn Trời Phật,cảm ơn

Chúa của thằng Thiện,cảm ơn những người đạo Chúa của thằng Thiện.Chính nhờ họ mà bà tìm lại được tình người.Nhờ họ mà bà nhận thấy Chúa của thằng Thiện thiệt là tốt.Bà nghe thâm sâu trong cõi lòng,câu nói hôm nào của thằng Thiện _Sao bà hông theo đạo Chúa? Và nhất là câu nói hồn nhiên của nó: _Già trẻ gì mà theo hổng được,Bà Hai! Tháng 01 năm 2005

Từ lòng nhân hậu

Đám tang của cụ Cương-một hội viên bảo trợ -vừa xong thì trời đã sáng rõ.Một số người lần lượt kéo nhau về để chuẫn bị công việc cho một ngày mới.một số ít con bùi ngùi nán lại trước mộ phần của cụ lâm râm thêm mấy lời cầu kinh.một số nữa thì tản ra ,đến với từng mộ phần của người thân.chúng tôi cũng nán lại ,để cùng đọc kinh catena,lặng lẽ chào cụ lần cuối rồi ra về. Vừa ra đến cổng nghĩa trang ,chúng tôi gặp một phụ nữ vội vàng lội ngược giòng người,mặt hơt hãi và báo tin cho chúng tôi _Chị Lan uống thuốc tự tử từ hôm qua.đã đưa đi bệnh viện cấp cứu,nhưng bệnh viện mới trả về sáng hôm nay,chị đang nằm thoi thóp… Chúng tôi nhìn nhau bàng hoàng!Chị Lan là người mà nhóm chúng tôi thường hay thăm viếng.chị đang rối hôn phối với một người lơn hơn chị gần hai mươi tuổi…dù rối hôn phối không thể gỡ được nhưng tuần nào chị cũng đi dự lễ Chúa nhật.và luôn có một niềm khao khát muốn trỡ về với Chúa.Thế mà….. Chúng tôi đến bên giường chị -nồng nặc mùi thuốc-chị đưa mắt nhìn chúng tôi,ánh mắt mở to bằng sự cố gắng hết sức như để van nài,khẩn khoản. _chị có còn nhận ra chúng em không?chị Lan! Một cái gật đầu vội vàng đap lời chúng tôi.và cố gắng hết sức với giọng nói gần như dứt quãng mà lai gấp gáp.chị nói

_Tôi đã biết tôi sai !Vừa lỗi luật sống rối vợ chồng,giờ lại uống thuốc tự tử!tội toi khó được tha,nhưng tôi xin các anh chị đọc kinh cầu nguyện ,để cứu linh hồn tôi ,được Chúa tha tội.còn phần xác thì tôi biết…. Cố sức nói một hơi vì sợ không còn nói được nữa,chị rũ rượi người ra nhưng tay vẫn quờ quạng tìm xâu chuỗi Mân côi vừa buông rơi đâu đó. Anh nhìn tôi…tôi nhìn anh…một chút xót xa,nhưng xót xa để hy vọng.Anh nói với tôi: _Có tội gì,nặng bao nhiêu,Chúa cũng tha được hết! Đồng cảm với anh ,tôi nói ngắn: _Mình đi! Chiếc xe máy lại đưa anh em chúng tôi lên nhà xứ.rất may mắn!Cha xứ vừa mới xong giờ thể dục buổi sáng.cha tiếp chúng tôi ngay tại sân nhà xứ,mình đang còn nhễ nhại mồ hôi. Tôi cố gắng trình bày nhanh gọn về hoàn cảnh và mọi diễn biến của chị Lan.Riêng câu nói của chị nói với chúng tôi,thì chúng tôi trình bày đầy đủ từng chử từng lời. Cha xứ lắng nghe chúng tôi trình bày mọt cách chăm chú. Sau một thoáng đăm chiêu ,ngài nói: _Các ông về làm các việc chuẫn bị ,nhất là tư tưởng của ông chồng bà ấy.Tôi sẽ đi ngay ! Vừa vui mừng ,vừa hy vọng, chúng tôi ra về , báo tin,và chuẫn bị mọi thứ cần thiết. Thế là chị Lan đã gặp được cha trong giờ phút cuối ,được lãnh nhận ơn tha thứ cùng với các Bí tích sau hết và bình an thanh thản ra đi trong tình thương của Chúa và của cộng đoàn giáo xứ. ………………………….. Anh em chúng tôi lại gặp cha xứ một lần nữa _thưa cha !còn việc mai táng! Chị có được chôn trong đất thánh không ạ? _các ông hỏi ban thường vụ. Và ban thường vụ trả lời chúng tôi _Các ông đã biết rõ quy định của giáo xứ rồi!đưa ra gần sân banh mà táng, nơi đó dành cho những tội nhân công khai.làm sao mà chôn trong đất thánh được. Cha xứ nói ngay: _Không được! đất sân banh tôi đang có kế hoạch để xây dựng. _Thế thì chôn ở đâu đây ? _....thì một góc nào đó trong đất thánh cũng được . _Tội nhân công khai mà , thưa cha! _Thì mới bị vào một góc!phạt thế cũng đủ chứ ạ! _...Cha bảo thì chúng con xin vâng! Thế là một trường hợp hiếm thấy xưa nay ở xứ tôi đã có. Chị Lan ,một tội nhân công khai , vừa rối vợ chồng lại mới vừa tự tử, nhưng cũng được chôn trong đất thánh. Dù là một góc của đất thánh. Mừng cho chị vì cái xác của chị không phải bị …tha hương

Đám tang của chị thật lặng lẽ, mặc dù cha xứ không cấm trống chiêng , cờ quạt. nhưng người di đưa vẫn thưa thớt …………………. Chúng tôi đến thăm ông Ba Dài –chồng của chị Lan –thắp hương cho chị và đọc mấy kinh cầu cho chị Lan được Chúa thương tha thứ và đưa về với Chúa. Đồng thời cũng chia sẻ với ông Ba về sự đau buồn mất mác của ông. Sau những hụt hẫng, đau xót và bận rộn những ngày tang lễ -Giờ đây phần nào ông cũng được ổn định . Ông ngùi ngùi nói chuyện với chúng tôi: _Tôi rất xót xa về cái chết của vợ tôi.Nhưng tôi được an ủi nhiều trong biến cố này.Khi còn sống chung với nhau, bà ấy thường nói với tôi rằng: “sống với nhau mà không có phép hôn phối là tội nặng” Bà muốn tôi cùng theo đạo với bà để vợ chồng cùng một hướng, nhưng mà tôi cứ chần chừ…Nay thì đâu còn kịp nữa! Bà ấy đã đi rồi… Dừng lại một lát để che giấu sự xúc động rồi thở một hơi dài –ông tiếp tục với giọng trầm trầm: _Tôi muốn nói rất nhiều lời cám ơn các anh chị em theo bổn đạo –tôi đặc biệt cảm kích lòng nhân hậu của cha xứ đã tha thứ và cho vợ tôi yên nghỉ trong đất thánh.Tôi tin vợ tôi sẽ được Chúa tha thứ hết mọi tội lỗi… Thông cảm với ông, tôi an ủi: _Cứ tin như vậy, Anh Ba ạ! Chúa sẳn sàng tha thứ hết mọi tội lỗi cho người có lòng hối cải – Anh cứ tin và có quyền tin như vậy! Chị Lan bây giờ kể như ổn việc rồi! Anh phải cố gắng lo cho phần mình, và luôn nhớ mà cầu nguyện cho chị ấy nhiều hơn. Một chút băn khoăn –Ông tròn mắt nhìn chúng tôi: _Làm sao cầu nguyện được? Tôi chưa theo đạo mà! _Thì xin theo đạo _Tôi đã già…có muộn không? _Không bao giờ là muộn cả -Chỉ cần anh muốn và tin Chúa-Bọn em sẽ giúp anh. Và như thế đó…một ông già đã thất thập cổ lai hy mà mỗi chiều điều đặn đến lớp giáo lý-Chăm chú nghe lời và tìm gặp Chúa bằng tất cả thiện chí của mình. Một năm sau…ông được lãnh nhận Bi tích Rửa tội và các Bí tích nhập đạo.Ông trở thành con Chuá, nhờ từ sự yêu thương của cộng đoàn và nhất là ông đã được chinh phục bởi lòng nhân hậu của cha xứ chúng tôi. Đám giỗ lần thứ nhất của chị Lan có giờ kinh của đông đảo giáo dân tham dự .đặc biệt có một giáo dân mới toanh: Ông ba Dài, chồng của chị Lan.

RỘN RÀNG MÙA HOA SOAN Con dốc bốn rưỡi cứ thoai thoải mà kéo dài hơn một cây số. Hai người phụ nữ đạp xe giữa nắng trưa mà người cứ ướt đẫm mồ hôi! Hai bên đường mấy cây soan cứ chậm chạp lùi dần về sau . Còn một khúc quanh nữa mới đến được điểm cần đến! Nhà của anh phải đi qua một đoạn đường đất nữa, có nắng và có gió bụi mịt mù… Anh là một người đàn ông trung niên, dáng người dong cao thanh mảnh. Không ngờ một tai nạn giao thông đã buộc anh phải dừng lại những công việc và đành chịu nằm một chổ với căn bịnh chấn thương cột sống cổ. Chị luôn bên cạnh và chăm sóc cho anh, bón từng muỗng cơm , lo từng tấm khăn lau những giọt mồ hôi mỗi khi cơn đau đến . Hai người phụ nữ vào nhà chào hỏi chị và xin phép được thăm anh. Tiếng hỏi thăm, câu trả lời đã nối kết được một chút tình người với nhau , dù mới đây còn xa lạ. Chị kể nguyên do tai nạn của anh và những biện pháp đã chữa trị nhưng vẫn lực bất tòng tâm. Anh nằm lặng lắng nghe và thỉnh thoảng chớp mắt như họa theo những chia sẻ của vợ. Người phụ nữ có vẽ lớn tuổi hơn ngậm ngùi và an ủi anh: - Thôi anh chị ạ! Mọi việc mình phó dâng cho Chúa! Sức mình đã tận, giờ biết làm sao? Chúng em sẽ cầu nguyện nhiều cho anh chị để anh chị đủ sức chịu đựng mà vượt qua cơn thử thách này…. Anh nghe nói đến đây tự dưng quay mặt vào trong , thở dài đánh thượt một cái nghe thảm nảo. Chị khều nhỏ hai người phụ nữ ra ngoài và bắt đầu kể lể: - Anh là một thanh niên ngan đạo, trước kia ở Bình Đại , Bến Tre. Cha mẹ là một ông trùm họ. Bản thân anh là một lễ sinh, theo giúp các cha từ tuổi mới lớn…Ấy thế mà chỉ vì một chút bất bình với Cha xứ , anh bỏ xứ lên đây lập nghiệp và gặp chị. Anh sống bất cần Giáo Hội, quên cả Chúa , sinh con đẻ cái mà không cho con theo đạo! Anh nói làm như thế để trả thù cha sở, anh nói anh xuống hỏa ngục anh sẽ lôi kéo cha sở theo…….. Hai người phụ nữ ngồi yên lắng nghe chị trút bầu tâm sự. Không dám thở mạnh như sợ những dòng tâm sự của chị bị cắt ngang. Ngoài trời một vài đám mây đang kéo ngang lưng trời, xám xịt! Ba người phụ nữ kẻ nói người nghe mà cả ba tâm hồn cùng nghe xót xót bâng khuâng. ……………………………………….. Con dốc bốn rưỡi cứ nhịp đều hăng tuần đón tiếp những người khách lạ. Có khi thì hai người đàn ông, có khi thì hai phụ nữ. Quãng đường đã trở thành quen thuộc, con dốc dường như không còn dài nữa bởi vì những người đi trên nó vừa đi vừa chuyên tâm lần chuổi Mân Côi! Và gia đình anh chị Tư cũng dần quen với sự nhịp nhàng hằng tuần có những người khách đến viếng thăm và chia sẻ buồn vui đau khổ của anh chị. Tuy vậy, một khi đặt vấn đề mời gọi anh quay về với Chúa, với Hội Thánh thì anh cứ một mực chối từ…Anh chỉ thích có người để nghe anh tâm sự chuyện

buồn vui cuộc dời anh và như để trút bỏ những muộn phiền anh gặp trong khoảng thời gian quá khứ. Có lần anh kể về một trường hợp giống như anh, cũng đang bỏ Chúa ở mãi dưới đồi 23, bà ta đang bị lở loét đôi bàn chân, tuy không nằm yên một chổ nhưng vẫn còn đi lại khó khăn. Anh em chúng tôi chấp nhận làm cầu nối chuyển thuốc thoa của anh gửi cho bà. Anh cảm thấy vui lắm, và anh nói rằng: - Được vậy tôi mừng lắm vì mình vẫn còn giúp ích cho người khác được một chút. Chiếc cầu nối từ anh Tư đến với bà Hai Hoa được nối bởi chúng tôi, và cũng từ đó chị em họ chuyển tải cho nhau những đồng cảm và những quyết tâm mới vì quyền lợi phần hồn của họ. Chị nói em nghe, và em nói chị nghe, qua sự chuyển tái của anh chị em chúng tôi. Đã mất đi gần cả một năm trời mà chưa thấy có chuyển biến khả quan nào nơi anh Tư. Anh Trưởng chúng tôi quyết định cả gia đình dành một ngày ăn chay để cầu nguyện xin ơn trở lại cho anh Tư. Ngày đó, bốn anh em chúng tôi vào thăm anh Tư với dự định là sau lần này sẽ có phương án mới. Bắng tất cả tâm tình đòng cảm anh em chúng tôi chia sẻ nổi đau thể xác của anh và cương quyết kéo anh ra khỏi lòng hờn giận, đồng thời gieo vào anh lòng Thương Xót của Chúa . Và khác trước nhiều lắm, lần này thì anh Tư lắng nghe chúng tôi không sót một lời…Khi chúng tôi chào anh ra về thì bất chợt hai giòng lệ lăn tròn trên mắt anh , anh nói trong nấc nghẹn: Nhà tôi như thế này làm sao dám mời Cha đến? Anh Trưởng tôi ngạc nhiên hỏi lại: Thế này là thế nào? Vợ tôi thờ Quan công , nhà không có bàn thờ Chúa! Bàn thờ trong lòng anh đấy! Hơn nữa chắc chị cũng vui lòng cho chúng tôi đặt một ảnh chuộc tội ở đây chứ! Vừa nói anh trưởng vừa chỉ ngay trên đầu giường anh. Chị Tư cười tươi rói, miệng chị như nở hoa: Có gì mà tôi chẳng chấp nhận cho anh ấy! Anh ấy là cuộc đời của tôi mà! Hơn nữa đây là yêu cầu cuối của anh! Thế là mừng như người được cuộc. Anh em chúng tôi ra về trong hân hoan và hạnh phúc . Hôm sau chúng tôi vào thăm lại anh một lần nữa. Một điều hết sức ngạc nhiên cho chúng tôi là chị đã tự dọn dẹp tất cả các ảnh tượng Phật, Quan công, thần tài, thổ đia. ..và dựng một bàn thờ Chúa với tất cả sự trang trọng như tấm lòng thành của anh chị. Mấy ngày sau, Cha xứ đến. Anh hân hoan đón Cha với tâm trạng vui mừng và anh đã được hòa giải với Chúa. Anh trút bỏ tất cả buồn vui trần gian đã qua để sẵn sàng đón nhận các Bí Tích sau hết trong niềm vui hòa lẫn những giọt mắt hạnh phúc. Hơn một tháng sau, anh đã về với Chúa giữa vòng tay yêu thương và lời cầu nguyện của cộng đoàn dân Chúa.

Lo xong đám tang cho anh, năm mẹ con chị cũng đã xin học Giáo Lý và nay đã là những người con của Chúa và Hội Thánh. ………………………………….. Đem tin Anh Tư đã trở lại với Chúa và đã qua đời báo tin cho bà Hai Hoa, bà Hai Hoa vừa mừng vừa khóc: -Tội nghiệp! Nó vậy là được hạnh phúc lắm ! Dầu sao Chúa đã thương không bỏ nó mà đã cho người đến với nó ở những giờ phút cuối đời.! Bây giờ thì xin các anh chị tiếp tục giúp đỡ tôi! Thế rồi, hằng tuần có các chị đến giúp bà Hai Hoa xét mình, chuẩn bị cho việc giao hòa với Chúa và một tuần lễ sau, các anh đã chở bà đi Xưng tội sau gần 30 năm xa Chúa. Điều mà Bà hai còn trăn trở và chia sẻ với chúng tôi là trải qua 30 năm xa Chúa, các con bà chẳng có đứa nào giữ đạo cả! Đã vậy bây giờ đứa nào cũng rối rắm với những con dâu không có đạo! Giờ thì ai có gia thất nấy, biết làm sao mà khuyên răn ! Bà Hai Hoa còn xin được làm hội viên tán trợ của Legio để cầu nguyện cho anh chị em chúng tôi. Nhưng vì tuổi cao nên hai năm sau bà cũng được Chúa gọi về. Thánh lễ an táng của Bà Hai có đủ mặt ba người con trai trong tang phục trắng muốt. Thánh lễ trang trọng vì có đông giáo dân tham dự và đưa tiễn. Chúng tôi cùng đi với bà lần cuối về nơi an nghỉ cuối cùng. Sau khi chôn cất xong, ba người con trai của bà đến nói với chúng tôi lời cám ơn và quyết tâm sẽ thỏa nguyện ước vọng của mẹ bằng cách thu xếp để cả nhà được trở về với Chúa . Như vậy là công việc của chúng tôi chưa thể kết thúc. …………………………………….. Một lớp Giáo lý được mở, học viên lớp Giáo lý này gồm các thành viên trong một gia đinhg gồm Cha, Mẹ , bốn người con trai và một Ông Ngoại. Anh Ba con của Bà Hai đã thu xếp được gia đình mình trước tiên , đã vậy lại còn thêm ông ngoại nữa! Tiếng đọc kinh và tiếng đọc bài Giáo lý của các cháu ngày ngày vang vang như một điệp khúc ca ngợi những điều kỳ diệu Chúa đã làm nơi một vùng đất xa xôi nhà thờ đến gần 7 cây số nhưng lòng yêu mến thì gần như trong gang tấc! Ngày lễ Rửa tội đã đến . Ông Ngoại kêu gọi các con của ông cùng đi dự lễ chia vui với ông, Nhà thờ rộn ràng niềm vui! Về nhà rộn ràng niềm vui! Niềm vui của ông Ngoại không dừng lại, ông dẫn dắt anh em chúng tôi đến từng thành viên trong Gia đình của ồng, từ con trai con dâu, đến con gái con rể, đến cả sui gia của ông và chính ông là người giới thiệu niềm vui có Chúa cho họ. Theo thiện ý của ông, anh em chúng tôi tiếp bước , băng rừng xẻ ruộng để đến với họ. Và Đẹp thay! Điều kỳ diệu đã được Chúa làm nảy sinh bao điều kỳ diệu: Một lớp học Giáo lý gần 20 học viên đã được hình thành. Học viên nhỏ tuổi nhất là một bé vừa tròn 2 tuổi và học viên lớn nhất là cụ già 75 tuổi , cứ mỗi tuần hai buổi tập trung lắng nghe Lời Chúa và tìm hiểu về tình yêu của Ngài.

Tháng 10 năm 2008 , Trời đang trể lại những cơn mưa, hoa soan bắt đầu nỡ rộ. Bên phía sau rừng Giá tỵ có một xóm nghèo nhưng có những cánh hoa cũng đang vào mùa nỡ rộ. Những cánh hoa của lòng yêu mến Chúa đang vào mùa Thanh Tẩy. Một doàn Dự tòng đông nhịp tiến về nhà thờ Hà Hội để nhận ơn Tái Sinh. Hôm đó là ngày 18/10/2008. Tạ ơn Chúa ! Từ một cánh hoa soan lạc lối nay Chúa dẫn về một mùa thơm ngát hoa bay. Rồi họ không còn là những tín hữu lẽ loi mà đang định hình thành một xóm đạo, một vùng đất truyền giáo! 30/10/2008

DÃ QUỲ HƯƠNG

Ai cũng biết dã quỳ là một loài hoa dại, chỉ có sắc mà chẳng có hương…… Cơn mưa chiều đổ vội. Trời tháng tám là vậy! Cứ muốn mưa là ì ầm đổ nước. Chẳng có mây giăng hay gió thổi báo trước. Mưa càng lúc càng lớn hạt. Đường phố đang nhộn nhịp bỗng vắng tanh. Mưa chìm trong mưa… Con Mén nép mình trong cái dù gần bên tủ thuốc của ông Tư, run lập cập vừa đưa mắt nhìn trời mưa vừa nhìn xấp vé số trên tay. Đã hơn hai giờ chiều rôi! Nó thấp thỏm nhìn trời, nửa muốn đi bán cho hết chổ vé còn lại, nửa e ngại cơn mưa chiều đang hồi lớn như trút nước. Gương mặt con bé trông thật tội nghiệp! Nó không còn ngây thơ như mọi lúc mà cái mặt nó mỗi lúc một lộ rõ nét âu lo. Như đã quyết định, nó nói với Ông Tư: _ Ông Tư ơi! Cho con xin một cái bọc nylon được không ạ! Ông Tư kiếm trong hộc tủ một hồi rồi mới lên tiếng: _ May quá! Còn đúng một cái! Tao bán thuốc lá đâu có lấy bọc làm chi. Mà mày định đội mưa đi bán hả Mén? Mua cái áo mưa mà đi con, hông bịnh chết! _ Dạ! Con cám ơn ông Tư. Con Mén nó nói cám ơn cho ông Tư vui lòng chứ nó có mua áo mưa đâu. Vội chộp lấy cái bọc nylon, nó đưa xấp vé số vào, nó ép kỷ miệng bọc lại rồi băng mình trong cơn mưa chiều nghiệt ngã. Tiếng của nó hoà trong tiếng mưa _ Vé số đây ……..

Ông Tư nhìn con bé lắc đầu thương hại. Ông chép miệng một cái thiệt to _ Chi mà tội quá! Thấy con Mén chịu thương chịu khó mà ông Tư thương, chứ hoàn cảnh của ông có gì sáng sủa hơn nó đâu. Được cái ông Tư chỉ lo có một cái thân già của ông thôi, chứ con Mén thì lại còn phải lo cho em nó nữa. Cha mẹ nó mất trong một tai nạn, nó là chị lớn trong nhà, nó phải lo cho em cái ăn cái học bằng cái nghề bán vé số. Ông Tư ngồi nhìn mưa mà não cả ruột. Đường phố bây giờ đã lênh láng nước. Vắng tanh. Những chiếc xe khách kín cửa chạy qua đong đưa cái gạt nước, bóp còi tin tin và xé nước văng tung toé hai bên. Liếc nhìn đồng hồ đã thấy hơn ba giờ chiều, ông Tư chợt thấy lo buồn xốn xang. Từ chiều giờ ông có bán được gì đâu! Người đi còn không thấy, lấy đâu ra người mua thuốc lá! Hoạ hoằn có vài người mắc mưa ghé lại xin ông chút lửa mồi thuốc cho đỡ lạnh.Ông Tư buồn, lo cho mình và lo cho cả cái con Mén nữa! Chắc gì giờ này nó đã bán hết số! mà không hết thì phải ôm chứ ai chịu nhận cho nó trả lại bây giờ. Ông lại chậc lưỡi một cái và thở dài xót xa. Sau hơn hai giờ ngồi đồng nhìn mưa mà không bán được gì, ông Tư dọn dẹp nghỉ sớm hơn mọi hôm. Phần thì ế ẩm, phần thì cũng đã thấm lạnh. Khoác trên mình cái áo mưa ẩm mùi ngai ngái, ông Tư ghé lại xe bánh mì mua một ổ, bọc lại kỷ lưỡng rồi dợm bước đi. Với ông, bấy nhiêu đã đủ bữa cơm chiều. Nhưng rồi ông lại quay lại, mua thêm hai ổ nữa, cũng bọc gói cẩn thận rồi ông thẳng đường đi qua nhà con Mén. Chị em con Mén ở cuối con hẻm, căn nhà tình thương được Giáo xứ xây dựng cho hồi năm ngoái, sau khi Cha mẹ nó mất. Thấy hoàn cảnh chị em nó ai mà chẳng thương, nhưng chỉ tội cái là xóm này nghèo quá! Ai cũng lo cái bụng của mình chưa xong, lấy đâu mà giúp đỡ cho chị em nó. Ông Tư đứng trước cửa nhà mà gọi con Mén í ới, không có tiếng con Mén trả lời mà chỉ có tiếng của thằng Đực: _ Dạ! Con thưa ông Tư. _ Ừa! Chứ con Mén chị bây đâu? _ Dạ! Chị con vừa về xong lại đi nữa rôi. _ Nó bán hết số không mậy? Mà nó lại đi đâu nữa vậy cà? Hỏi cho có hỏi chứ ông Tư đoán chắc là nó đang ở đại lý vé số, chờ kết quả xổ số rồi về nhà luôn thể chứ chẳng sai. Ông Tư đưa gói bánh mì cho thằng Đực, giọng ông chùng xuống: _ Hỏi bây vậy chứ tao chắc chiều nay nó ế rôi! Mưa to quá! Bán buôn gì được. Cầm mấy ổ bánh mì ăn tối đi con. Nay ăn tàm tạm vậy Thằng Đực cầm lấy hai ổ bánh mì, chưa kịp nói lời cám ơn, thì ông Tư đã quay lưng đi về. Dáng ông Tư còm còm, khập khiểng trong chiếc áo mưa mỏng tang, rẽ qua ngõ tắt mà về nhà trong chút sáng mờ mờ sót lại của buổi chiều sau cơn mưa. Con đường tắt này ông Tư ít lần đi qua, bởi vì nó vừa hẹp vừa nhớp nhúa, nên rất ít người qua lại. Ông Tư vừa đi vừa nghỉ đến lúc về nhà mình

cũng chỉ một mình một bóng trong cảnh cô đơn. Đã hơn mười năm rôi còn gì, Bà Tư bỏ ông mà ra đi cũng trong những tháng ngày mưa gió. Sau đám tang Bà Tư thì ông bắt đầu một thân vò võ….Ông dần quen với cái cảnh cô dơn ấy, vì hơn ai hết ông hiểu rõ mình phải như vậy. Ông đã bỏ trong chiến tranh một cái chân và nhận vào mình nhiều thương tích. Những thương tích ấy đã tạo nên một sự mất mát lớn trong ông. Gặp được Bà Tư sau cuộc chiến ông mới hiểu rõ điều ấy: Ông đã bị những thương tích chiến tranh tước đi quyền làm cha, một cái quyền lợi và hạnh phúc mà người đàn ông nào cũng muốn có. Ông cay đắng với cuộc đời sao nhiều oan trái. Ông muốn mà không được làm cha, còn chị em con Mén đang hạnh phúc có Cha mẹ thì bỗng dưng bị tước mất….. _ Bà hai ăn cơm đi cho nóng, chiều nay con về trễ nên bà chịu khó ăn cơm hộp vậy… Tiếng ai nghe quen quen , y như tiếng con Mén... Ông Tư dừng lại và gắng đưa mắt nhìn vào một chòi lá tối om chỉ có ngọn đèn dầu. Đúng rồi! Con Mén chứ còn ai vô đây nữa! Vẫn bộ đồ đi bán vé số hồi chiều, nó dúi vào trong tay bà cụ một hộp cơm rồi nhanh nhẩu dọn dẹp vài ba cái đồ ngỗn ngang trong nhà, tay nó làm, miệng nó vẫn hồn nhiên lên tiếng. _ Chiều nay mưa dữ quá bà Hai à! Con tưởng bán hổng hết. May quá gần tới giờ xổ rồi con được một ông khách xịn mua giùm. Nhờ vậy mà mình có cơm, Chúa thương mình đó Bà Hai. Rồi nó vội vàng : _ Thôi Hai ăn cơm rồi nghỉ nha! Con còn về cho thằng Đực ăn cơm nữa. Giờ chắc nó trông con rồi đó. Con Mén vừa nói vừa cầm hai hộp cơm bước ra cửa, nó bắt gặp ông Tư đang tròn mắt nhìn nó: _ Ai vậy con? _ Con chào ông Tư. Ông Tư đi đâu đây? _ Con chưa trả lời ông Tư mà! _ Dạ…Bà Hai …cô đơn. Mấy hôm trước bà cũng đi bán vé số như con, hổm giờ bà bịnh… _ Rồi con mua cơm và lo cho bà ấy? _ Dạ… _ Sao vậy? _ Hồi còn sống, Mẹ con vẫn thường biểu con “Cố gắng nhìn thấy và hầu hạ Chúa trong người anh em…..” Ông Tư nhìn con Mén âu yếm _ Cám ơn con. Con về đi, cho em con vui. _ Dạ. Con chào ông Tư…. Cái bóng con Mén khuất dần trong ngõ vắng rồi ông Tư mới chịu đi về.Trời đã hết mưa, ngoài kia phố đã lên đèn. Ông Tư một mình men theo ngõ vắng mà về nhà, nhưng trong lòng mênh mang một niềm vui khó tả. Đúng rồi! Ông sẽ không còn cô đơn nữa đâu, vì chung quanh ông còn rất nhiều người cùng cảnh ngộ.Ông nhớ tới câu nói của con Mén: “Hồi còn

sống, Mẹ con vẫn thường biểu con “Cố gắng nhìn thấy và hầu hạ Chúa trong người anh em…..”Đúng rồi! Con Mén đã cho ông một điều thiệt thấm thía. Ông sẽ sống như con Mén, thằng Đực, như Bà Hai cô đơn, và ông sẽ không cô đơn nữa. Cơn mưa chiều đã qua và cũng đã hết lạnh. Ông cởi tấm áo mưa ra cầm tay rồi khập khiểng bước đi về nhà. Một luồng gió nào đi lạc thổi hắt vào ông, mang theo mùi ngai ngái của Hoa Dã Quỳ bên hàng rào nhà ai đó, mà ông nghe ngan ngát hương thơm. 14-9-2011

ĐỂ YÊU VÀ ĐƯỢC YÊU Lão hay uống rượu và lại còn mê số đề. Mỗi lần lão có rượu rất ít ai gần được lão. Buổi chiều chừng khoảng ba giờ hơn cho tớ bốn giờ rưỡi, lão chỉ có biết có mỗi tờ vé số và cái điên thoai thôi. Không ai nói lão nghe, nhưng vợ lão lại là người lão yêu mến và nghe lời nhất. Đang dò tờ vế số mà vợ lão than đau thì lão buông tất cả mọi sự mà lo chăm sóc cho bà. Ở cái tuổi sáu mươi, lão đâu có cần nữa cái nhu cầu xác thịt, nó cũng đã không là gì bằng cái nghĩa vợ chồng mà lão và vợ lão đã trải qua trong mấy mươi năm. Lão nhớ cái ngày đó….

_ Cô gì đó ơi!... _ …………… _ Cô gì đó ơi ! cho tôi xin miếng nước! Người con gái quay lại, đoi mắt to tròn như hai hạt nhãn. Tròn mắt nhìn người vừa gọi như một người ngoài hành tinh: _ ………… _ Cô cho tôi xin nước…. _ Anh là bộ đội Viêt Nam à? _ Vâng! Tôi là bộ đội! _ Bộ đội sao anh lại xin nước tui! Anh đi đi…tui không dám… _ Sao lại không dám? Cô cũng là người Việt mà! _ ………….. _ Cô làm ơn đi! Tôi khát lắm! Vừa nói người đàn ông lại cố gắng lê thêm máy bước nữa lại gần. Lúc này cô gái đã nhìn thấy rõ hơn, khuôn mặt anh bộ đội này đang rất đõi hốc hác, dáng vẻ mệt nhọc và dường như đứng không vững. Cô gái nhìn từ đầu đến chân có vẻ e dè, tay cô vẫn không rời cái lưỡi liềm cô đang dùng để cắt cỏ. Giữa cái thời buổi nhiễu nhương này, chiến tranh đang sôi sùng sục, lại đơn thân trên đất nước Campuchia, bản năng dạy cô phải luôn dè dặt, tranh tối tranh sáng biết đâu mà lần. Đang lúc phân vân chưa biết phải làm gì thì giọng anh bộ đội lại một lần nữa gọi cô về với thực tế:

_ Cô giúp tôi…. Chưa kịp nói dứt câu đã nghe đánh uỵch một cái. Anh bộ đội ngã lăng kềnh xuống đất. Lúc này cô mới nhận ra là anh đang bị thương ở chân phải. Tuy đã được băng bó nhưng máu đã tươm ra uớt đẫm cả tấm gạt và còn chảy thành giòng xuống dưới bàn chân. Cô gái bấy giờ mới phát cuống lên: _ Ông bị thương mà sao hổng nói! Buông cái lưỡi liềm xuống, cô chạy lại đỡ anh ta lên, miệng gọi í ới: _ Chế ơi! Ra phụ em một tay, có người bị thương nè! Từ phía sau, trong một căn chòi lá ở xa xa, có một người phụ nữ nữa chạy ra, tiếp tay với cô gái và dìu anh bộ đội vào nhà. Nhờ sự chăm sóc tận tình của hai chị em cô gái ấy mà anh bộ đội đã dần tỉnh. Uống được miếng nước, ăn được chút cháo, vết thương được rửa sạch và băng bó cẩn thận nên gương mặt anh ta cũng đã dần có thần sắc hơn. Giờ đây anh bộ đội mới có thể nhìn rõ hơn khuôn mặt của hai chị em họ. Người chị đã khoảng trung niên, nước da hơi sạm, có lẽ vì cái nắng và cái gió của vùng biên giới này. Còn cô gái thì … Anh lén lén nhìn cô ta một lần nữa. Ngoài đôi mắt to tròn đen láy, cô còn có cả một gương mặt trái soan đẹp thanh thoát. Mái tóc suông mượt vén xuống một bên ngực, đen tuyền, làm nỗi bật cây Thánh giá bằng kim loại cô đeo trước ngực, tôn thêm nét duyên dáng và vẻ đẹp thánh thiêng… _ Ông đã tỉnh rồi, cố gắng ăn thêm chút cháo nữa cho lại sức. Còn vết thương thì phải để tui thay băng ít lần nữa mới được, không thì bị nhiễm trùng, nguy hiểm lắm. _ Cám ơn cô. Không nhờ cô chắc tôi chết mất! Cô gái không trả lời mà chỉ cười hóm hỉnh. _ Chết làm sao được! Cùng lắm là cưa mất cái chân thôi! Anh bộ đội đã bị cái nụ cười của cô gái hớp cả hồn! Người đâu đã đẹp mà nụ cười còn đẹp hơn! Anh cũng đùa vui: _ Biết đâu được ! Không chết vì cái chân bị thương thì cũng chết vì cái lưỡi hái của cô! Sao cô dữ thế? _ Tui mà dữ a? Tui dữ thì ai thèm cứu anh… _ Thôi! Cho tôi xin lỗi. Cô gái không nói gì, nhưng lại nhanh chóng đi lấy băng bông và một thau nước ấm. Cô lau rửa vết thương và thay băng một cách thành thục như một y tá chuyên nghiệp. Anh bộ đội còn phải tá túc tại nhà cô gái ấy cả tuần lễ để chờ cái chân có thể đi được rồi mới trở về đơn vị. Nhờ đó mà một mối tình tưởng như không thể đã bắt đầu nhen nhúm giữa cô gái ngoan đạo và anh bộ đội càng ngày càng nên thắm thiết keo sơn. …………………………………………………….. Có tiếng rên ư ử trong nhà, có lẽ là chị đang trở mình và đang lên cơn đau. Lão vội vàng bước vào nhà pha một cốc sửa, lão đem đến với giọng trìu mến:

_ Nãy giờ nằm yên cũng đã lâu, giờ lại đau à? Em uống miếng sửa cho có sức. _ Chưa uống được đâu anh ơi! Đang đau lắm! Chị đưa tay xoa nắn cái bụng đang trương phình to tướng, miệng hít hà mặt nhăn nhó. Lão ngồi xuống mép giường lấy khăn lau những giọt mồ hôi lấm tấm trên trán. Có tiếng gọi ở phía trước: _ Anh Năm ơi! Có nhà không anh năm ơi! _ Ai đó? Lão vội bước ra, dáng đi khập khiễng Không đợi lão lên tiếng, hai người phụ nữ đã vội vàng giới thiệu và thăm hỏi: _ Chào anh năm! Tụi em ở trong xóm đây í mà! Nghe chị bịnh đã lâu, nay tụi em mới ghé thăm chị được, chị sao rồi anh năm? _ À! Cám ơn các chị. Bà tui vẫn vậy, chẳng thuyên giảm tí nào mấy chị ơi! _ Cho phép tụi em vào thăm chị nghen anh Năm! Chỉ đợi anh Năm “ừ” một tiếng, hai người phụ nữ đã đến sát giường bệnh của chị Năm, kẻ thoa người bóp, miệng bắt chuyện thăm hỏi chị Năm như là người thân đã lâu năm. Thấy câu chuyện của ba người phụ nữ trong phòng đã râm ran, Anh Năm bước ra nhà ngoài lo châm thêm phích nước sôi, bỏ chút trà vào bình rồi mang vào đãi khách. Chị Năm ngạc nhiên khi thấy một người vừa thăm hỏi chị rất thân tình vừa hai tay xoa bóp liên tục, Còn người phụ nữ kia thì đưa tay lên làm dấu, thinh lặng nhìn vào một cõi thánh thiêng nào đó mà đăm chiêu như đang cầu khẩn điều gì. Bất chợt chị Năm lòn tay vào cổ áo, đưa ra sợi dây đeo cây Thánh giá đã củ kỷ sạm đen. Chị cố gắng nâng cây Thánh giá lên và hôn lấy hôn để. Nước mắt chị tràn ra và chị nói với giọng thổn thức, đứt quãng: _ Chị ơi! Em đã xa Chúa ba mươi bảy năm rồi! _ …………….. _ Từ ngày chúng em gặp nhau, anh ấy là bộ đội nên không theo đạo được… Em vì công việc của ảnh nên cũng không dám cho ai biết mình có đạo… _ ……. _ Bây giờ thì em nhớ Chúa lắm. Em sợ mất linh hồn lắm! Như trút được gánh nặng trong lòng bao nhiêu năm qua, chị Năm khóc tức tưởi như một đứa trẻ. Không khí trong căn phòng như chúng lại. Hai người phụ nữ cũng bất ngờ trước tình huống, nên chưa biết dùng lời gì để an ủi chị Năm. Tiếng sụt sịt ngoài cửa phòng làm cho cả ba người phụ nữ chợt giật mình quay về hướng đó. Anh Năm đứng đó từ bao giờ với đôi mắt sủng nước. Anh tiến dần đến bên giường bịnh, giọng anh như khẩn thiết: _ Anh sẽ làm tất cả vì em! Thủy ạ! Cả một đời em đã cho anh, em đã vì anh. Thì hà cớ gì lúc này anh không thể bù đắp cho em được! _ ……… _ Anh sẽ làm tất cả vì yêu em và để được em yêu anh mãi mãi Thủy ạ! _ …………..

Hai người phụ nữ lặng thinh, không dám thở mạnh, dường như sợ phá đi giây phút ấm áp của hai vợ chồng già nhưng vẫn ắp đầy yêu thương và hạnh phúc. ………………………………………………………… Tháng Mân côi đã về. Tôi được Cha xứ giao cho nhiệm vụ hướng dẫn anh Năm học Giáo lý. Học hằng ngày tại nhà anh , vì căn bịnh của Chị ngày một kéo dài và ngày càng nặng hơn. Anh vừa chăm sóc chị lại vừa học giáo lý. Ở cái tuổi lục tuần nhưng anh rất sáng dạ. Tiếp thu rất nhanh và mỗi ngày niềm tin càng xác tín. Chỉ với ba tuần lễ mà anh như đã lột xác thành một con người khác. Anh không còn bi quan yếm thế nhìn căn bịnh bất trị của chị, nhưng thay vào đó là một niềm cậy trông vững vàng và sẵn sàng đón nhận. Anh không còn trút sầu vào rượu mà thay vào đó là những giờ phút tĩnh lặng ngồi bên bàn thờ Chúa để cùng chị cầu nguyện. Còn Chị, tuy cơn đau mỗi ngày một dồn dập hơn nhưng chị đã cố gắng chịu đựng trong niềm vui và tín thác. Tuy biết mình sẽ không qua khỏi căn bịnh hiểm nghèo nhưng chị vẫn hy vọng vào một cuộc sống vĩnh hằng mai sau. Anh và chị từng ngày đợi chờ ngày được trở về và trở thành con cái Chúa. Ngày ấy cũng đã đến, hôm ấy trời mưa tầm tả. Cơn mưa cuối mùa cúng ầm ì như trút nước cho xong một mùa mưa để chuyển mình sang mùa nắng ở cái miền đất hai mùa mưa nắng này. Chị Năm đã bỏ ăn hai ngày rồi, và trở mình đâu đớn liên tục giữa ngày mưa ấy. Nhưng dù mưa to gió lớn nhưng Cha Xứ chúng tôi cũng đội mưa mà xuống với anh chị Năm. Một chiếc bàn trải khăn trắng muốt, trên đặt ảnh chuộc tội giữa hai cây nến trắng cháy sáng. Cha xứ đã cử hành các bí tích khai tâm Ki Tô Giáo cho anh Năm, giải tội và xức dầu bệnh nhân cho chị Năm và cử hành bí tích hôn phối cho hai anh chị. Thỏa nguyện tâm tình anh chị khao khát cho nhau là để yêu nhau và được yêu nhau dù một trong hai đang đứng trước giờ sinh tử. Sau khi được lãnh nhận các bí tích, anh Năm chia sẻ với chúng tôi: _ Giờ này tôi mới thật sự thấy bình an. Và bắt đầu từ hôm nay tôi mới thấy được vợ chồng chúng tôi là chính thức. Một tuần lễ sau thì chị đã nhẹ nhàng trút hơi thở trong vòng tay của anh và trong vòng tay của cộng đoàn giáo xứ. Đám tang của chị được tổ chức trang trọng theo nghi thức công giáo, cộng đoàn giáo xứ đã đón nhận chị, một người con tha phương trở về và đón nhận anh, người công nhân giờ thứ mười một. Năm nay, nơi nghĩa trang của Giáo xứ có một lão già đã hom hem nhưng lại có mặt rất sớm từ những ngày cuối tháng Mân Côi. Lão lau chùi kỷ lưỡng từng chút bụi bẩn trên nấm mộ. lão thay hoa mới rồi thắp hai ngọn nến hai bên và ngồi bên mộ mà lần chuỗi Mân côi. Tôi nghe được tiếng lão thì thầm: _ Cám ơn em! Để yêu em và được yêu em là một hạnh phúc lớn cho anh. Nhưng lớn hơn nữa là nhờ yêu và nhờ được yêu em, anh mới được khám phá và đáp lại, để anh yêu Chúa và được Chúa yêu anh. Chúa yêu vợ chồng mình, em nhỉ! Tháng Các linh hồn 2015

Thánh vật của Cha Đức Mẹ Hằng cứu giúp Cha của tôi là một người đàn ông đỉnh đạc. Dáng người thanh mảnh, dong dỏng cao. Cha không được ăn học nhiều lắm nhưng bạn của cha vẫn cho rằng Cha là người lịch lãm. Còn với tôi, cha vẫn luôn là người cha nhân hậu, hết mực yêu thương chúng tôi, và là bóng mát che phủ cuộc đời chúng tôi. Cha tôi mồ côi mẹ năm lên bốn, rồi mồ côi cha năm mười bảy tuổi. Nhưng hạnh phúc lớn lao mà nội tôi trao cho Cha, là được làm con nuôi ông Cố Gioan trước khi nội tôi qua đời. Ông Cố Tây cưu mang cha, cho ăn học, giúp lễ, và giúp việc ở trong nhà hưu ở Toà Giám Mục Quy Nhơn. Cho đến ngày trưởng thành, Ông Cố Tây cầm trầu rượu đi qua bên cô nhi viện Saint Paul để cưới mẹ tôi cho Cha. Người ta lấy làm lạ vì lần đầu họ thấy ông cố Tây làm sui gia với một bà Soeur. Ấy thế mà “hạnh phúc ở quanh đây đâu phải chuyện bất ngờ” … Chúng tôi lần lượt ra đời trong tình yêu thương của cha mẹ. Mẹ tôi, một người con gái xứ Nghệ , sống trong trại mồ côi từ năm tám tuổi, được các Soeur Dòng Thánh Phaolô nuôi dưỡng dạy cho nghề Y tá, và dạy cho bao điều quý giá. Tôi là đứa con thứ tư trong sáu anh chị em. Cha mẹ thương tôi nhiều lắm vì tôi là đứa yếu đuối nhất nhà. Yếu cả về thể lực cũng như yếu về tâm tính. Tôi còn nhớ hồi nhỏ tôi hay khóc và dường như không tự quyết được một điều gì. Anh Tư tôi hồi đó hay bày trò chọc ghẹo tôi, anh lấy 1 cây bút chì, lấy một cây kim có sợi chỉ, anh cắm cây kim vào cục tẩy của cây bút chì rồi cầm lấy sợi chỉ, anh bắt tôi đưa tay ra và anh gọi là… câu chì!!! Cây bút chì chạy tới chạy lui trên tay tôi rồi chạy vòng tròn …vòng tròn. Anh phán một câu xanh lè: chạy dọc là con trai, chạy ngang là con gái, chạy vòng tròn là ….pê đê! Lạy Chúa tôi! Tôi còn nhỏ chẳng hiểu mô tê gì nên lại…khóc. Đấy, tôi yếu đuối như thế đấy…………………. Biết chuyện, cha la rầy anh Tư. Nhưng thấy anh Tư bị la, tôi buồn. Tôi lớn lên trong chiến tranh và cái ngày tôi bước qua cái tuổi vị thành niên là lúc mà đất nước hoàn toàn thay đổi. Ngày bom đạn cuối cùng của một thể chế cũng là ngày cha bỏ hầm trốn đạn, chạy lên ôm tôi xuống hầm trốn đạn, mặc dù tôi đã 17 tuổi. Cái tuổi ăn biết no mà lo chưa biết tới. Cái tuổi ăn thì không đủ, ngủ chẳng có vừa.

Sau ngày đất nước thay đổi, tôi được dịp gần cha nhiều hơn, vì tôi phải nghỉ học để cùng cha đi khai phá ruộng rẫy. Khai phá được một chút đất là tôi thấy được bao nhiêu mồ hôi của cha. Từ nhỏ cha không phải lao động cực nhọc mà bây giờ phải đối mặt với rừng thiêng để kiếm cho được chút đất mà canh tác. Vỡ được một lát đất, hay chặt được một cây rừng, đôi bàn tay của hai cha con đều bỏng rát. Cha động viên tôi, tôi xót xa nhìn cha! Bởi vì tôi cũng cảm nhận được cha tôi cũng rất yếu đuối. Sau một ngày làm việc cật lực, nhìn khoảng rừng thu nhỏ lại một chút, mảnh đất dưới chân mình rộng thêm một khoảng, cha con tôi nhìn nhau trong niềm vui hạnh phúc. Cha dành thì giờ buổi tối để đi thăm bạn. Bạn của cha là những bịnh nhân liệt lào, cha ở đến nữa khuya mới về. Gặp những trường hợp nguy tử cha ở luôn cho tới sáng. Lo cho sức khoẻ của cha, tôi thường bảo: -Sao mà bạn cha nhiều thế! Hết người này đến người khác, làm sao cha chịu nổi? Cha chỉ cười: -Cha chỉ có một người bạn thôi! Cha đi trợ liệt là vì cha muốn giúp bạn ấy. -À! Thì ra thế! Vậy bạn cha là ai? Cha gõ nhẹ đầu tôi: -Con còn chưa biết à? Nói thế rồi cha nhìn tôi cười, một nụ cười khó hiểu. Tôi cũng ngại ngùng không hỏi nữa mà trong lòng không ngừng thắc mắc. Những ngày tháng gian khổ bên cha khai phá ruộng rẫy, tuy cực khổ, nhưng là những ngày cha con tôi được gần gủi bên nhau mà chia sẻ ngọt bùi, đồng cam cọng khổ. Thật là những tháng ngày hạnh phúc mà bây giờ không làm sao níu giữ lại được! Rồi thời gian êm đềm trôi. Tôi lớn lên bên cha với nhiều bài học vào đời dày kinh ngiệm của cha. Cha đã cho anh em tôi cách sống với lòng nhân hậu, thứ tha. Cha xây dựng cho anh em tôi lòng yêu mến Chúa và hy sinh cho tha nhân bằng những công việc tông đồ. Cha thổi vào hồn anh em tôi một tinh thần đạo đức sâu xa. Chỉ ngắn gọn nhưng mỗi một thời gian lớn lên, chúng tôi thấu hiểu vô cùng ý nghĩa: “Các con hãy sống đẹp lòng Chúa.” Khi bóng chiều cuộc đời ngã xuống trên cha, là lúc anh chị em chúng tôi đứa nào cũng đã yên bề gia thất. Gia đình tôi ở cách cha mẹ gần hai cây số. Cha thường lên tôi và ở lại để tiện đi thăm bạn. Đến lúc này thì tôi đã biết bạn của cha là ai. Cha quỳ trước Thánh Thể Chúa và cầu nguyện lâu giờ. Cha lại dạy tôi lòng yêu mến Thánh Thể với câu nói: “vì yêu nên nỗi” Cha bị suy nhược tinh thần sau một khoảng thời gian bị hạch sách về việc xây dựng nhà nguyện Giáo họ mà không xin phép chính quyền. Cùng với tuổi già, cha suy sụp dần và cho đến trước lúc hôn mê, cha gọi tất cả anh em tôi lại quanh cha. Cha gởi mẹ lại cho anh Tư, cha dặn dò từng đứa với tất cả lòng thương yêu của cha. Riêng tôi, khi tôi đến cạnh cha, khó khăn lắm cha cố sức lấy trong cái bóp tấm hình Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp đã

ố vàng, đã được ép plastic cẩn thận. Tay cha run run trao cho tôi và nói: “Cha trao Mẹ Hằng Cứu giúp cho con, vì con là đứa yếu đuối. Đây là thánh vật mà Ông Cố Gioan đã trao cho cha, và Đức Mẹ đã theo cha đến hết cuộc đời, Mẹ sẽ giúp con nên kiên vững” Sau hơn năm mươi ngày hôn mê, cha đã được đi về gặp bạn. Tôi chắc rằng tình bạn của cha tôi bây giờ thật khăng khít. Đã hơn 20 năm xa cha, tôi luôn thấy ấm áp tình cha mỗi khi ôm hôn Thánh vật của cha. Tôi nghe như có mùi mồ hôi của cha cùng với sự ấm áp phụ tử. Và tôi chợt nhận ra, trong cuộc đời cha với hoàn cảnh mồ côi rất sớm, cha cũng đã yếu đuối và đã nên kiên vững nhờ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp mà Ông Cố Gioan trao tặng. Chính vì lẽ đó mà tôi đã từng ngày tập kiên vững, bắt đầu từ sự yếu đuối của tôi. 20-12-2011

NGƯỜI CON CỦA LÒNG THƯƠNG XÓT Trời lập đông. Cái rét nhè nhẹ báo hiệu một mùa Noel nữa sắp đến. Ấy thế mà hai anh em chúng tôi phải toát mồ hôi khi đạp xe leo lên con dốc dài ngoẵng. Dưới cái nắng nhè nhẹ của buổi sáng, chúng tôi tìm đến nhà anh. Bằng tính tình giản dị của ngươi Nam bộ, anh tiếp chúng tôi như người thân đã lâu năm tuy chỉ mới lần đầu tiếp xúc. Giọng anh thân thiện: _ Mấy chú tìm tui hả? Dô nhà ngồi chờ tui một tí, tui cũng sắp hưỡn rồi. _ Anh cứ làm cho xong việc đi! Tụi em chỉ ghé thăm chơi thôi mà! Có cần tụi em phụ gì hông? _ Không cần đâu! Tui sắp xong rồi! Anh vội vàng xua tay. Rồi sẵn vòi nước đang tưới, anh xịt lên chân, lên tay rửa vội rồi bước vào nhà. Giọng anh nói với xuống nhà dưới: _ Bà nó ơi! Coi làm cái gì đó cho anh em tụi tui làm nhuyễn nhuyễn một chút. Tôi cười : _ Thôi mà anh Hai, để khi khác đi, tụi em cũng còn nhiều việc gấp lắm. _ Vậy sao? Tui tưởng anh em hưỡn được thì làm vài ly rồi tâm sự cho nó đã chứ! _ Cám ơn anh. Hôm sau chúng em đến nữa rồi hẳn hay. Sau khi vào nhà, yên vị chủ khách, chúng tôi hỏi thăm gia cảnh, rẫy vườn …vv… để làm quen. Nhờ anh có tính hiếu khách và dễ hòa hợp nên chúng tôi làm quen rất nhanh. ***

Lâu dần, thân hơn…trong những lúc thư giãn ngồi lại với nhau bên chén trà, chung rượu, anh kể tôi nghe về anh………… Lớn lên trong thời chiến tranh, anh là một người lính. Tuổi xuân của anh phảng phất mùi thuốc súng. Tình yêu của anh cũng ồn ào như bom đạn. Hạnh phúc là những gì vội vàng có được như cái khoảnh khắc còn mất giữa chiến trường. Thời loạn lạc, đời chiến binh, sự sống và cái chết chỉ cách nhau một cái chớp mắt. Yêu cuồng sống vội là phong trào của một lớp trẻ thời chinh chiến. Vòng xoáy ấy đã không loại trừ anh, nhưng có khác hơn một chút, vì gia đình anh là một gia đình đạo gốc.Vội vàng một tình yêu của anh cũng là vội vàng của một khế ước hôn nhân. Chị là người ngoại đạo, học giáo lý vội vàng, Rửa tội vội vàng, Hôn phối vội vàng, đám cưới vội vàng, trong thòi điểm vội vàng của tháng ngày ly loạn. Tháng tư năm 1975, những đổi thay từng ngày của đất nước…trong khi những người lính phải căng thẳng với chiến cuộc thì người dân ồ ạt với những cuộc di tản… Ngày thống nhất đất nước, anh buông súng đi cải tạo. Cải tạo xong anh đi tìm vợ… nhưng bặt tăm từ ấy. Nghe người quen bảo rằng vợ anh đã đi lấy chồng khác, anh vẫn không nản chí mà cứ tiếp tục đi tìm…. Một năm, hai năm, rồi bảy tám năm đi tìm không có tông tích của người vợ .Giữa những tháng ngày khó khăn của thời bao cấp , tương lai như mờ mịt . Phương tiện truyền thông không có, xe tàu không dễ đi. Anh đã miệt mài đi tìm cái xương sườn bị thất lạc nhưng vẫn biền biệt sơn khê. Ở cái tuổi tam thập , một mái ấm gia đình là hạnh phúc cần phải có đối với hầu như nhiều người , ngoại trừ là đi tu ! Anh cũng không thể đi ra khỏi định luật ấy ! Vì thế , chị đã đến và ở lại trong cuộc đời anh, trở thành một cái xương sườn mới của anh, đồng thời một mái ấm mới của anh thật sự hình thành. Một gia đình thật sự với một tình yêu tròn trịa hơn , một hạnh phúc đầy tràn hơn . Khác với tình yêu của một thời bồng bột, và khác với cái khế ước mà anh vội vàng ký kết thời chiến tranh loạn lạc. Anh đã chấp nhận một trang sách mới của đời mình, sau một thời gian dài mệt mõi kiếm tìm vô vọng. măc dù anh vẫn biết rằng đối với luật đạo anh bị coi là rối hôn phối, là một gương mù công khai. Anh sẽ không được tham dự vào các bí tích…. Thời gian cứ lặng lẽ trôi qua…anh hạnh phúc với những gì mình đang có. Nhưng vẫn còn một điều quay quắt trong anh . Thời gian từng ngày đi qua, nhưng nỗi buồn xa Chúa cứ đeo đẳng theo anh, mỗi ngày một lớn hơn,sâu hơn . Nỗi buồn ấy theo anh từ thời trung niên, cho đến bây giờ, khi mà bóng chiều cuộc đời đang bắt đầu phủ xuống…Anh ao ước được một lần xưng tội, anh thèm một lần được kết hợp với Thánh Thể Chúa, nhưng không được. Giờ này anh mới thấy tình yêu Chúa lớn lên, cũng như tình anh yêu Chúa dạt dào làm sao! Nhưng lề luật luôn là rào cản quá vững chắc!.....Anh dồn mọi nỗ lực khắc phục bằng việc giáo dục đức tin cho các con. Lo cho chúng hiểu biết giáo lý và được làm con cái Chúa . Hơn thế nữa, anh còn tạo điều kiện để cho chúng được tham gia vào các công việc tông đồ. Anh nghĩ đây là con đường mà con anh sẽ được tôi luyện để tránh

vết xe đổ cuộc đời của anh. Hay tích cực hơn, nhờ môi trường này mà chúng sẽ trưởng thành hơn trong đức tin và lớn lên trong tình yêu mến Chúa. …………………………………. Chúng tôi trình bày với Cha Linh Giám về hoàn cảnh của anh. Cha đã chăm chú nghe từng lời từng chử. Và cha quyết định cùng đồng hành với chúng tôi đến thăm anh. Ngày cha đến thăm, anh và gia đình vui như tết. Anh luôn miệng huyên thuyên thăm hỏi và ân cần mời cha với những trái cây sẵn có trong vườn nhà. Cha xứ cũng đã ân cần hỏi thăm anh chị và từng đứa con của anh. Một tình thương, một sự cảm thông sâu sắc của Cha làm cho anh chị sống lại niềm hy vọng của đức cậy trông: _ Ông hãy cứ luôn đặt lòng cậy trông nơi Chúa. Tuy không được kết hiệp với Chúa qua Bí tích hòa giải và Thánh Thể, nhưng ông cũng nên thường xuyên tham dự Thánh Lễ. Vì nơi Thánh Lễ, Chúa bày tỏ lòng yêu thương ông và ông tỏ lòng yêu mến Chúa. Cha nói với chúng tôi: _ Tôi giao cho các anh nồi nước này, các anh cố gắng hâm nóng và đun sôi lên nhé! Thế là từ đó chuông điện thoại nhà tôi cứ đều đều reo lên vào lúc 3 giờ 30 sáng. Và chỉ reo đủ 3 hồi rồi dứt. Đó là chuông báo của anh. Khoảng 10 phút sau, anh em tôi gặp nhau ở đầu hẻm, để cùng đi lễ sáng. Đoạn đường từ nhà tôi đến nhà thờ là bốn cây rưỡi, và từ anh đến nhà thờ vừa tròn bảy cây số. Tôi không có ý phân cấp hay một ý gì khác khi chọn một chỗ ngồi ở khoảng giữa nhà thờ, chỉ với một lý do là vì tôi hơi nặng tai , nên có ý ngồi gần để nghe cho rõ . Còn anh thì cứ mãi mãi một chỗ ở gần góc cuối nhà thờ, khiêm tốn và lặng lẽ… Ngoài việc đi lễ sáng sớm hằng ngày, anh còn tình nguyện giúp đưa tôi đến các điểm giáo lý ở vùng sâu, vùng xa, để tôi hướng dẫn và giúp đỡ các dự tòng ở đó. Một điều đáng trân trọng là anh luôn đúng hẹn và không bao giờ nệ khó. Dù mưa hay nắng anh vẫn cứ đều đều mỗi tuần bốn tiết học, anh làm tài xế đưa rước tôi một cách hồn nhiên và với tinh thần tự nguyện . Nhiều lúc thấy anh vất vả quá, tôi ngần ngại …thì anh trả lời gọn trơn : _Chú ngại gì chứ! Tôi đâu có chở chú ! tôi chỉ làm việc đưa Lời Chúa đi, chở Lời Chúa về thôi mà! Tôi phải đem Lời chúa đến những nơi cần đem đến. Câu trả lời này làm cho tôi thức tỉnh, và cố gắng hơn để hoàn thiện mình trong vai trò một giáo lý viên Thời gian cứ nhịp dều trôi qua…Anh vẫn cứ mỗi sáng mai là một Thánh lễ, vẫn lặng lặng một chổ ngồi, cứ lặng lặng quỳ xuống mỗi lần cộng đoàn đi rước lễ. Tôi chắc là những lúc ấy anh buồn lắm . Tôi tin rằng trong nỗi buồn của anh , đã nói lên rằng anh yêu Chúa biết bao, và tôi cũng tin rằng trong những lúc ấy , Chúa nhìn thấy anh và thương cảm cho anh dường nào.

…………….. Chiều Chúa nhật và chiều thứ năm là hai buổi chiều anh đến đón tôi đi dạy giáo lý cho các dự tòng ở vùng sâu, Mỗi buổi chiều hai tiết học ở hai lớp học .Anh đều đặn suốt khóa học, mà có khóa học kéo dài cả chín mười tháng. Hết khóa học này lại tiếp theo khóa khác ….Ngày các dự tòng đi dự lễ rửa tội , anh hân hoan thức sớm lo hướng dẫn họ lên xe, nhắc nhở từng nếp áo , cho tới từng câu thưa đáp trong lễ nghi…Trong suốt Thánh lễ ban Bí Tích gia nhập đạo của họ, anh vui như niềm vui của chính mình . Anh hân hoan theo từng nghi thức rửa tội, thêm sức, rồi nhìn họ lần đầu kết hơp với Chúa Giêsu Thánh Thể. Lúc này anh lại lằng lặng quỳ xuống… không biết anh nói gì với Chúa và Chúa nói gì với anh lúc ấy… Những học viên khóa một, khóa hai, nay đã là những người công giáo bình thường, khóa học tiếp theo cũng đã khai giảng và đang tiếp tục. anh vẫn cứ mãi miết với công việc ấy một cách âm thầm và hết sức kiên trì. Lòng cậy trông và sự nhiệt thành của anh đã cuốn hút chị Hai vào cuộc. Ngoài việc lo cho chồng, cho con có đủ thời gian và điều kiện đi làm công tác, một mình ở nhà buổi sáng, sau khi chăm vườn và các việc nội trợ gia đình, chị dâng chuổi Mân Côi. Buổi chiều, lúc ba giờ chị đọc kinh Lòng Thương xót. Kiên trì với lòng trông cậy, mặc dù chị vẫn còn là một lương dân, chưa được rửa tội. *** Thấm thoát mà đất nước hòa bình đã bốn mươi năm Người con trai của thời chiến ấy vẫn còn đau đáu một nỗi niềm khát mong được làm hòa với Chúa, được trở về sum họp trong một mái gia đình Giáo hội. Năm Thánh Lòng Chúa thương xót được mở ra. Niềm hy vọng trong anh, trong chị và trong chúng tôi được củng cố. Anh xác tín: _ Tôi tin Lòng thương xót Chúa lớn hơn muôn ngàn tội lỗi của trần gian. Cuối tháng 11-2015

HOA HỒNG NỞ MUỘN Bà bảy bưng mẹt bán rau Bánh mì chú chín đi sau lưng bà

Áy là câu nói vui mà anh em chúng tôi hay chọc ghẹo chú Chín. Chú chín bán bánh mì ở ngay ngã tư Tà Lài, khu vực nhộn nhịp nhất của cái thị trấn vùng cao của chúng tôi. Khi mà phố thị chưa kịp thức giấc, Chú Chín đã có mặt ở ngay ngã tư để bắt đầu một ngày mới với xe bánh mì thơm lựng những đĩa phá lấu, thịt nướng, vv…Tưởng là Chú cứ chăm chút lo làm ăn chứ ít ai biết rằng Chú đã lo xong một việc cần thiết nhất trong ngày là đã đi dâng lễ sáng mới về. Cũng đều đều mỗi sáng như thế, ở phía cột điện bên kia đường, có một cụ bà nhỏ thó bày bán trên mẹt nào là rau nhút, rau muống, rau dền, rau lang…những loại rau bà hái trong vườn nhà, mỗi loại dăm mười bó. Rau bà Bảy thì không ngon và đẹp như rau trong hàng quán, nhưng được cái chắc chắn là rau sạch, vì bà Bảy không hề dùng thuốc. Khách qua lại ngã tư này thường ghé mua rau của bà Bảy, vì thấy bà tuy già nhưng cái miệng vẫn còn dẻo quẹo chào mời. Sáng rõ một chút thì mẹt rau của bà Bảy cũng đã vơi bộn, bà thu xếp lại gọn gàng rồi cầm vài bó bước sang chổ Chú Chín bán bánh mì. Giọng bà chơn chất và ngọt ngào như rót mật: _ Nay cưng ăn giùm cho Bảy mấy bó rau mồng tơi nha Chín! Chỉ cần vài ngàn tôm khô nấu canh với nó là bá chấy! Chú Chín cười cười nhìn bà Bảy, chú cũng lấy giọng chào mời: _ Bà Bảy ăn bánh mì buổi sáng nha! _ Ừa! Zị là xí huề. Cứ như vậy đó, tình cảm của những con người lao động, chia sẻ cho nhau mà sống. Chân chất và đậm đà. Bà Bảy với tay đặt hai bó rau lên nóc xe bánh mì làm cho cái cổ áo lệch qua một bên, khoe ra một cỗ tràng hạt đen nhánh. Chú Chín nhìn thấy và vốn đã thân thiện lại càng thân thiện hơn, vì nhận ra người cùng niềm tin với mình. Làm xong ổ bánh mì đưa vào tay bà Bảy, Chú Chín bắt chuyện làm thân: _ Bà Bảy thường đi lễ nào? Bà Bảy tròn xoe đôi mắt: _ Lễ gì? _ Dạ, con hỏi đi lễ Chúa nhật đó? Bảy đi lễ sáng hay lễ chiều mà con ít gặp. Như chợt hiểu ra, khuôn mặt Bà Bảy chùng xuống một chút, bà đưa tay kéo sợi chuỗi giấu vào trong cổ áo rồi trả lời với giọng buồn tênh: _ Tôi không có đạo. Tới phiên đôi mắt chú Chín như đứng tròng vì ngạc nhiên: _ Bảy giấu con làm gì, nhìn Bảy với cỗ tràng hạt kia con biết chẳng những Bảy có đạo, mà lại còn ngoan đạo nữa! Ngắt một miếng bánh mì bỏ vào miệng, Bà Bảy không vội nhai mà cũng chẳng vội trả lời. Đôi mắt của Bà Bảy nhìn vào đâu đó, xa xôi lắm, buồn bả lắm….

_ Cái cỗ tràng hạt của Bảy đẹp quá, chắc là Bảy siêng lần hạt nên tràng hạt mới bóng lên như vậy. _ ………. _ Tuổi trẻ tụi con cứ mãi lo cái cơm áo gạo tiền nên rất ít khi lần chuỗi, mỗi ngày cố lắm thì được vài chục… _ …………….. Bây giờ Chú Chín mới để ý đến khuôn mặt giống như vô hồn của Bà Bảy, chú khẻ gọi: _ Bảy ơi! Bộ con có nói gì buồn lòng Bảy hả? Rời khỏi cái chổ xa xăm nào đó, Bà Bảy định thần một hồi rồi mới trả lời Chú Chín: _ Không có đâu Cưng, Bảy mà giận ai! Chỉ là tại vì câu chuyện của Bảy nó dài dòng lắm, có dịp nào hưỡn, Bảy kể cho cưng nghe. Thôi lo mà bán buôn đi chứ để trưa mất. ……………………………………………………… Ngồi dưới dàn mướp mát rười rượi, lại thêm mấy cốc nước mưa trong mát, Tôi và Chú Chín được Bà Bảy dẫn về một miền ký ức mà như là một hiện tại đang sống rất mãnh liệt trong lòng bà Bảy. Cái thời xuân sắc của Bảy lại gắn liền với cái nghèo của thời chiến tranh. Bỏ cái ruộng ở Miền Tây lên Sài Gòn kiếm sống. Người con gái chân còn dính phèn đâu có biết Sài gòn đô hội và vô vàn cạm bẩy. Nhờ cái chân chất thật thà, đơn sơ và giản dị vốn có của người Miền Tây, Bảy được nhận vào giúp việc cho nhà một ông quan Tây. Bảy lo việc bếp núc, giặt giũ và dọn dẹp lau chùi nhà cửa. Công việc quần quật suốt ngày, nhưng với vốn dĩ tính siêng năng cần mẫn của người con gái chân quê đã giúp Bảy chu tất hết. Nhà ông quan Tấy tuy cũng khá rộng nhưng lại rất ngăn nắp nhờ sự sắp xếp của Bảy. Ông Quan Tây thường làm việc ở phòng riêng, thỉnh thoảng khi có khách thì mới ra ngoài. Còn Bà Đầm vài ba tuần ở nhà rồi vài ba tuần lại đi Tây. Bà đi Tây như đi chợ. Thời gian giúp việc cho nhà ông quan Tây cũng được khá lâu. Tuy có vất vả nhưng không còn phải bương đồng lội ruộng, không phải dang nắng đội mưa nữa. Cái nét con gái chân quê của Bảy đã biến đi mất hồi nào, nhường lại đó là một cô tấm đẹp mặn mà trong vỏ bọc của một Ô shin. Công việc ban đầu tuy có nhiều bận bịu nhưng bây giờ thì đã quá quen thuộc và đều đặn trong một thời khóa biểu. Tình cảm trong nhà cũng dần dà rút ngắn được khoảng cách. Mọi sự tưởng chừng như yên ắng êm trôi, Bảy cảm thấy an phận với công việc và sự bình yên vốncó. Cho đến một lúc cái nhịp đi về của Bà Đầm mỗi ngày một dài hơn, mỗi lần đi Tây cũng lâu hơn rồi mỗi lần về nhà cũng ở lâu hơn, tưởng cũng chẳng có gì lạ. Thế nhưng cái bất thường ấy đã phá đi sự bình yên của Bảy và đưa Bảy vào một cuộc đời khác, chỉ sau có một lần ông quan

Tây mềm lòng trước cái đẹp mặn mòi của Bảy, và Bảy cũng đã không chế ngự được xúc cảm của người con gái xuân thì. Gần hai tháng sau bà Đầm mới về, cũng là lúc mà Bảy cảm thấy mình nghe hôi cơm tanh cá. Cái chứng nôn ọe đã tố cáo với Bà Đầm những gì đã xảy ra. Như người ăn vụng bị bắt quả tang, Bảy tủi nhục chấp nhận tất cả những đề nghị của bà Đầm như tội phạm nghe lời tuyên án từ thẩm phán. Bà Đầm không làm lớn chuyện vì giữ uy tín cho ông quan Tây, nhưng bà cũng không chấp nhận cho Bảy làm lẽ, vì Ông Tây bà Đầm là người công giáo. Bà Đầm hứa sẽ lo chu tất cho Bảy sinh nở và nuôi con nhưng chỉ được với danh xưng là vú nuôi, còn đứa bé sẽ được hợp pháp hóa là con của ông bà quan Tây. Được làm mẹ là hạnh phúc lớn lao của người phụ nữ. Cho dù không chính thức nhưng được gần gủi và chăm sóc cho con, ấy cũng đủ cho Bảy hạnh phúc lám rồi. Mình đã như vậy làm sao dám ước ao gì hơn! Nhưng cái hạnh phúc ấy chỉ có được trong một thời gian. Sau khi sinh nở mẹ tròn con vuông, thì cũng là lúc cái hiệp ước của Bà Đầm được thực hiện. Bảy giữ đúng vai trò vú nuôi và Bé Đào mỗi ngày được lớn lên trong sự chăm sóc hết mực chu đáo và tình thương yêu của Bảy. Cho đến ngày hiệp ước Giơneve được ký kết, ông quan Tây và bà Đầm hối hả thu xếp để về Tây thì cũng là lúc Bảy phải vĩnh viễn rời xa con gái. Kỷ vật cuối cùng của đứa con gái vô cùng yêu thương của Bảy là tràng chuỗi Mân Côi mà ông quan Tây đã đeo cho nó vào ngày nó được Rửa tội. Nó mang cái tên Tây, với tên thánh là Maria, còn tên Đào là tên mà Bảy âm thầm gọi nó……… Bà Bảy uống một ngụm nước mưa rồi đưa tay mân mê tràng chuỗi trên đôi tay gầy guộc, xương xẩu. Một vài ngấn lệ trong mắt Bảy. Bảy mân mê tràng chuổi như thể đang vuốt ve bé Đào của Bảy… _ Vậy đó, Bảy không có đạo và cũng chưa hề biết lần chuổi, cưng hiểu chưa Hai__ Hơn một nữa thế kỷ xa vắng người con gái quý yêu với nỗi nhớ niềm thương luôn ray rứt trong lòng mẹ. Bảy chỉ biết mân mê tràng chuỗi Mân côi để vơi đi nỗi nhớ. Cái kỷ niệm thương đau ấy giờ được khơi lên để chia sẻ cho chúng tôi. Cái thời xuân sắc của Bảy không còn nữa mà trước mặt chúng tôi là một cụ bà hom hem tuổi đã ngoại bát tuần, thân hình còm cỏi, gương mạt khắc khổ nhưng sự linh hoạt vẫn còn. Chúng tôi đến thăm bà thường xuyên hơn và bà vẫn vui vẻ đón tiếp chúng tôi như những người thân. Một hai tuần không đến thì bà trách cứ, còn tuần nào cũng đến thì bà lại dí dỏm: _ Bảy chưa có treo cờ, chưa đánh trống, mà sao mấy cưng vào nhiều thế?

Chúng tôi cũng hòa theo: _ Treo cờ, đánh trống sao được Bảy ơi! Còn phải chờ chị Đào về với Bảy nữa chứ! _ Có hy vọng hông Cưng? Hơn năm mươi năm rồi còn gì nữa! Bây giờ chắc nó cũng đã được làm bà nội, bà ngoại gì rồi. Nói thế rồi Bảy lại lấy tràng chuỗi ra mà vuốt. Tôi cầm tay Bảy rồi nói khẽ: _ Bảy có thể cho con mượn tràng chuỗi một tí được không? _ Được chứ! Nhưng mà một tí thôi nha. Tôi trân trọng cầm tràng chuỗi từ trên tay của Bảy, nhẹ nhàng và cẩn thận như sợ nó sẽ vỡ đi mất. Một tay còn lại tôi càm đôi tay gầy còm của Bảy: _ Bảy đừng vuốt ve Tràng chuỗi nữa nhưng Bảy hãy lần như con nè… một hạt, hai hạt …. rồi đọc kinh Kính Mừng Maria… _ Bảy đâu có thuộc kinh! _ Con dạy cho Bảy đọc nhé! _ Bảy tối dạ lắm, biết bao giờ cho thuộc _ Thì hôm nay Bảy chỉ đọc Kính Mừng Maria thôi, thuộc rồi mình học tiếp… _ Ừa thì.. Kính Mừng Maria…. Í cái câu này Bảy thuộc lâu rồi, mà cũng chỉ thuộc có chừng đó thôi Tôi đã bị thu hút vào câu chuyện của Bảy rồi, tôi ngẫu hứng mà nói luôn: _ Thì tạm thời Bảy đọc chừng đó thôi, mỗi lần đọc thì lần một hạt. Rồi xin Đức Mẹ cho Bảy gặp lại Chị Đào. Mắt Bảy sáng lên như tìm được nguồn hy vọng: _ Vậy sao? Vậy có được không? Tôi mạnh dạn: _ Dạ được chứ. _ Vậy thì Bảy đọc nha: Kính Mừng Maria, xin cho con được gặp lại con Đào. Bà Bảy chỉ đọc được có thế thì nước mắt đã giòng ngắn dòng dài ràn rụa trên khuôn mặt. Tôi thật sự xúc động trước tình cảm thiêng liêng của một người mẹ đã bao năm dài xa con. Tôi lặng thinh để đồng cảm với Bảy, và cũng là lúc để cho chú Chín nói cho Bảy nghe về Đức Mẹ, giọng chú Chín đều đều mà thấm thía: _ Đức Mẹ Maria là Mẹ của Chúa, Mẹ cũng đã chịu bao nhiêu thương đau buồn tủi trong cuộc đời, Con Mẹ bị người ta bắt đi, đánh đập, lăng nhục rồi đóng đinh trên Thánh giá……. Giọng nói của Chú Chín êm êm nhè nhẹ như cơn gió chiều thoang thoảng trên giàn mướp nhà Bảy, gió như thấu hiểu tâm tư tình cảm của Bảy làm cho mái tóc bạc trắng lung linh.

Thế rồi hằng tuần chúng tôi đều đều vào thăm Bảy. Có khi thì tôi và chú Chín, có tuần thì các chị vào thăm. Mà phải kể là mấy bà phụ nữ giỏi thật, chỉ sau có hai tháng mà Bảy đã thuộc hết kinh lạy Cha, Kính Mừng, Sáng danh và lần hạt gọn ơ! Mấy chị còn mở rộng quan hệ quen biết với chị ba, con gái của Bảy với chồng sau. Lại còn tiếp xúc và thăm nom ông Bảy nữa. Ông Bảy là một người Phật Giáo chính tông nên con cái đều theo Phật hết. Bà Bảy cũng đâu có ngoại lệ! Nhưng Bảy là người Phật giáo có lòng yêu mến Đức Mẹ, vì Bảy nói là Chị Đào của Bảy cũng có tên là Thánh Maria. Ba___ Những ngày đầu của thiên niên kỷ thứ ba, cái thị trấn vùng cao này vẫn còn những con đường đất đỏ. Từ Sài Gòn đi về hướng Đà Lạt 125 cây số thì gặp ngay cái ngã tư của thị trấn. Một hướng đi về rừng quốc gia Nam Cát Tiên, hướng ngược lại đi vào trong xã Trà Cổ. Mùa nắng thì mịt mù bụi đỏ còn mùa mưa thì sình lầy ngập gần tới gối! Ở đây người ta thường dùng chiếc xe 67 chuyên chở hàng hóa hoặc mấy chiếc xe thồ để đưa nông sản từ trong rẩy ra chợ. Ít ai có xe xịn, vì xe xịn mà đi đường không xịn thì chỉ tốn tiền sửa. Ấy vậy mà hôm nay lại có một người ăn mặc chỉnh tề đi trên chiếc dream với những ba lô hành lý đi vào con đường Trà cổ. Sự khác lạ gây tò mò cho nhiều người. Ông lặn lội lách tránh những ổ gà, ổ voi, khó khăn lắm ông mới vào được khu vực Ủy ban xã Trà cổ. Thỉnh thoảng lại vào nhà này nhà khác hỏi thăm. Ở đâu ông cũng bắt gặp những cái lắc đầu không biết, mà trời đã về chiều rồi, ông đành hỏi thăm để người ta chỉ cho ông một nhà nào công giáo. May sao, nhà chị Hường lại ở ngay mặt đường, đi từ xa đã thấy bàn thờ lấp lánh ánh đèn. Ông bước vào nhà và hỏi thăm. Vốn dĩ hiếu khách, Chị Hường mời ông vào nghỉ ngơi. Người khách lữ hành cẩn thận dựng xe rồi mới cởi lớp áo mưa, để lộ một dáng vè đạo mạo trong chiếc áo sơ mi với chiếc cổ col trắng trên cổ áo. Chị Hường vội vả : _ Xin lỗi, con không biết là Cha hay thầy…. _ Không sao cả, tôi chỉ muốn ông bà giúp cho tôi hỏi thăm một người _ Vâng, con mời Cha vào nhà, nếu biết con sẽ giúp. Sau khi an vị ngôi chủ khách, và trao đổi những giao tiếp cần thiết mới biết ra rằng: Người khách lạ ấy là một Linh Mục ở Giáo Xứ Bến Cát, đường Dương Tử Hàm, trong nhu cầu của giáo xứ, cha đã sang Pháp để vận động xin tiền về xây sửa nhà thờ, Cha đã gặp một người trong đoàn bác ái từ thiện tên là Maria Đào, chị cho biết rằng

trước khi cha chị qua đời đã cho chị biết chị còn có người mẹ ruột ở Việt Nam, với nhận dạng và hoàn cảnh như thế.. như thế… Chị đã nhờ nhiều người và nhiều lần tìm kiếm mà chưa được, chỉ biết là đang ở tại khu vực này… Chị muốn tìm gặp lại người mẹ thân yêu của mình……. Với những mảnh ghép trùng hợp, Chị Hường nghỉ ngay đến bà Bảy, vì đã có lần Bảy ghé chơi nhà chị đã chỉ lên tượng ảnh Đức Mẹ mà nói: “Con gái tôi cũng là Thánh Maria. Maria Đào.” Khi Cha xứ Bến Cát và vợ chồng chị Hường vào đến thì Bà Bảy đang ngồi lần hạt, Tuy lần hạt đúng cách thức nhờ được học hỏi từ các chị nhưng bà cũng không quên thêm vào câu “Xin cho con gặp lại Con Đào” Sau khi hỏi han và xác nhận sự thật, Cha đã mời Bà Bảy về Sài Gòn để tiện hẹn gặp Chị Đào. Bà Bảy mừng như mở hội. Bà ôm lấy tràng chuỗi Mân Côi hôn lấy hôn để. Không biết nụ hôn ấy vì thương nhớ con hay là nụ hôn của lòng tạ ơn thành khẩn dâng lên Đức Me: Thánh Maria. Sau một tháng mẹ con gặp nhau với biết bao vui mừng, Bảy đã trở về lại nhà và gặp chúng tôi trong niềm vui khôn tả. Ngoài niềm vui của gia đình đoàn tụ, Bảy còn niềm vui to lớn hơn là đã được làm con cái Chúa nhờ Bí Tích Rửa tội và làm con cái của Đức Mẹ: Thánh Maria Trần Thị Kêu. Gia đình Chị Ba đã sắp xếp cho Bảy một căn phòng riêng, và chúng tôi đã đến đó làm cho Bảy một bàn thờ. Tràng chuổi Mân Côi ngày nào giờ đây được Bảy để ngay dưới chân Thánh Giá Chúa Giêsu, Đấng đã âm thầm và kiên nhẫn tác động trên suốt cuộc đời mà giờ này Bảy mới nhận biết và tin theo. Bảy cũng để trên bàn thờ một tượng Đức Mẹ Mân Côi, người Mẹ đã đồng hành cùng Bảy trong suốt những khổ đau và hạnh phúc mà giờ này Bảy mới thực sự ý thức và mến yêu. Sau khi làm xong bàn thờ, anh chị em chúng tôi kính cẩn dâng kinh tạ ơn Chúa cùng với Bảy. Cuối giờ kinh, Bảy nâng tràng chuổi trong tay và ôm hôn thật thắm thiết cùng với những giọt lệ hạnh phúc. Tưởng rằng câu chuyện của Bảy đến đây đã có thể kết thúc, nhưng vì đã qua một thời gian bây giờ mới kể, nên lại có thêm mấy chi tiết mà cũng nên nêu lên để mọi người cùng thấy được sự nhiệm lạ của bàn tay Thiên Chúa. Chúng tôi vẫn thường xuyên đến thăm Bảy, đọc kinh lần hạt với Bảy. Những ngày Bảy yếu đau, có Dì đưa Mình Thánh Chúa tới nhà cho Bảy. Ngày Bảy qua đời, Giáo họ và anh chị em Legio chúng tôi đến canh thức với Bảy. Nhưng cho tới ngày lễ an táng thì có Linh Mục và các cộng đoàn nữ tu ở xa về dâng Thánh lễ an táng tại nhà của Bảy, mặc dù phía sau tấm phướng có ảnh Chuộc tội là một dãy bàn thờ Phật, bàn thờ Quan Âm và dưới đất thì đầy bàn thờ thần tài, thổ địa của gia đình. Cha chủ tế gọi Bảy bằng từ Ngoại hết sức thân thương và gọi chị Đào là Mẹ thiêng liêng.

Sau đám tang thì vợ chồng cậu con trai, con chị Ba, đã xin đi học giáo lý và nay đã được rửa tội cả gia đình, Không dừng lại ở đó, anh nay đã là một hội viên Legio Mariae cùng đồng hành với chúng tôi. Tháng Mân Côi đã hết và tháng các Linh Hồn đã về. Nhưng thiết tưởng Lời kinh Mân Côi không hề bị giới hạn bởi thời gian hoặc không gian. Vườn hoa của Hội Thánh lúc nào cũng thơm ngát muôn hoa. Hoa Hồng, hoa Mân Côi luôn thơm ngát bốn mùa, dù chỉ là đóa hồng nở muộn. Tháng 11-2013 Lê Tín Hữu

Cung-Me-Chung-Toi-Di.pdf

Page 1 of 35. Tập truyện ngắn. Mic. Cao Danh Viện. CÙNG MẸ. CHÚNG TÔI ĐI. Whoops! There was a problem loading this page.

394KB Sizes 1 Downloads 281 Views

Recommend Documents

No documents