MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ PHÁT TRIỂN VÀ QUẢN LÝ CÁC LOẠI HÌNH DU LỊCH HIỆN ĐẠI TẠI VIỆT NAM TRONG GIAI ĐOẠN MỚI PGS. TS. Lê Anh Tuấn Vụ Đào tạo, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tóm tắt Bài viết này xem xét đến một số vấn đề trong phát triển và quản lý các loại hình du lịch ở Việt Nam tại thời điểm hiện tại. Dựa trên xu thế phát triển du lịch trên thế giới và ở Việt Nam, những thay đổi trong nhu cầu của khách du lịch, trong môi trường kinh doanh du lịch, trong những hiện tượng của hợp tác quốc tế và hội nhập, kết quả phân tích cho thấy, có rất nhiều các loại du lịch được phát triển để phù hợp với nhu cầu của thị trường và từng bước đang trở nên phổ biến trên thế giới và cũng ở Việt Nam. Bài viết này cũng thảo luận một số vấn đề đang còn lại và đang ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của loại hình du lịch trong ngành công nghiệp nói riêng và du lịch tại Việt Nam nói chung hiện nay. Từ khóa: Phát triển và quản lý du lịch, Loại hình du lịch hiện đại tại Việt Nam Abstract: This article considers some problems in development and management of tourism types in Vietnam at the present. Based on the trend of tourism development in the world and in Vietnam, the changes in the tourists’ demand, in tourism environment, in the phenomenon of international co-operation and integration, the analysis result shows that a lot of types of tourism are developed to match the demand of the market and gradually become popular in the world and Vietnam. This article also discusses some matters remaining and affecting to the sustainable development of tourism types and tourism industry in Vietnam at present. Keywords: Tourism types, Tourism development and management, Vietnam

Du lịch ngày càng được các quốc gia trên thế giới quan tâm phát triển, do du lịch ngày càng đóng vai trò quan trọng đối với nhiều quốc gia. Ngay cả trong chiến lược phát triển du lịch của cộng đồng các nước ASEAN đến năm 2025, đã xác định du lịch sẽ đóng góp cho GDP trong ASEAN đến năm 2025 đạt từ 10 - 12%. Tại Việt Nam, với Nghị quyết 92/NQ-CP về đẩy mạnh phát triển du lịch trong tình hình mới đã khẳng định một bước sự quyết tâm của Chính phủ trong việc tập trung phát triển du lịch trong bối cảnh mới. 1

Tham luận đề cập tới xu hướng và bối cảnh của việc phát triển các loại hình du lịch, khái quát về thực trạng phát triển các loại hình du lịch hiện nay ở Việt Nam, có đánh giá và bàn luận về một số vấn đề đặt ra đối với Du lịch Việt Nam trong phát triển các loại hình du lịch hiện đại. 1. Xu hướng phát triển du lịch trong giai đoạn hiện nay Trong bối cảnh Đầu thế kỷ 20, đặc biệt sau Chiến tranh thế giới thứ hai, du lịch quốc tế phát triển mạnh do sự phát triển của kỹ thuật hàng không và tàu biển. Lượng khách du lịch quốc tế không ngừng tăng, theo đó thu nhập du lịch của nhiều quốc gia đã chiếm tỉ trọng lớn trong tổng thu nhập ngoại tệ khi so sánh với các ngành sản xuất xuất khẩu hàng hoá khác. Điều này cho thấy, thu nhập từ du lịch ngày càng đóng góp rất lớn cho GDP trên phạm vi nền kinh tế thế giới. Hơn nữa, du lịch cũng tạo ra nhiều việc làm với tỉ lệ 1/15 so với toàn bộ lực lượng lao động trên toàn thế giới. Lượng khách du lịch quốc tế tăng trưởng hàng năm, đạt 940 triệu lượt năm 2010, 983 triệu lượt năm 2011 và chạm mốc 1 tỷ lượt năm 2012 với 1,035 tỉ lượt khách và năm 2013 (1,087 tỉ lượt khách), năm 2014 (1,138 tỉ lượt khách), năm 2015 đạt 1,184 tỉ lượt. Như vậy, phát triển du lịch được các quốc gia quan tâm, đặc biệt là các quốc gia đang phát triển đã coi du lịch như một ngành kinh tế quan trọng có vai trò tạo việc làm và tăng thu nhập ngoại tệ, thúc đẩy các ngành kinh tế khác phát triển. Theo các kết quả nghiên cứu, xu hướng phát triển du lịch trên thế giới được xem xét theo ba nhóm cơ bản, gồm: nhóm xu hướng biến đổi về quan điểm phát triển và loại hình du lịch; nhóm xu hướng phát triển thị trường, sản phẩm và nhóm xu hướng biến đổi trong nhu cầu tiêu dùng của khách du lịch. Thứ nhất: Nhóm xu hướng biến đổi về quan điểm phát triển - Quan điểm phát triển du lịch bền vững hình thành và trở thành phổ biến Du lịch đại chúng đã phát triển mạnh từ sau chiến tranh thế giới thứ hai. Trong quá trình phát triển hoạt động du lịch, ngành du lịch thế giới đã có những bước phát triển vượt bậc, dần khẳng định được vị thế và vai trò trong nền kinh tế của các quốc gia nói riêng và nền kinh tế thế giới nói chung. Tuy nhiên, cùng với nhiều thành tựu đáng ghi nhận của du lịch, quan điểm phát triển chỉ quan tâm đến mục đích kinh tế mà không quan tâm tới nguy cơ hủy hoại môi trường sinh thái và văn hoá bản địa đã gây ra nhiều hậu quả liên quan đến môi trường và xã hội. Chính vì vậy, quan điểm phát triển du lịch trước đây đã được xem xét, đánh giá lại và từ đó đã có những thay đổi theo xu hướng mới, quan điểm phát triển du lịch mang tính bền vững hơn, đặc biệt là đối với môi trường. Quan điểm này thể hiện trong chính sách phát triển du lịch của nhiều quốc gia trong quá trình khai thác phát triển sản phẩm, phát triển thị trường và trong việc phân định vai trò và phân chia lợi ích giữa các chủ thể tham gia quá trình phát triển du lịch. 2

Hơn nữa, thời gian gần đây, du lịch có trách nhiệm được quan tâm và trở thành tâm điểm và là hướng đi mới cho tất cả các chủ thể tham gia hoạt động du lịch nhằm giảm thiểu các tác động tiêu cực của du lịch và gia tăng tác động tích cực của du lịch. Du lịch có trách nhiệm giải quyết vấn đề vướng mắc giữa phát triển và bảo tồn; là phương thức phát triển bền vững với tính nhân văn sâu sắc, phát triển vì con người đảm bảo cân đối giữa các yếu tố: bên trong - cư dân địa phương, bên ngoài - du khách và trung gian - doanh nghiệp. Đây cũng chính là ba thành phần trọng tâm tham gia và cùng hưởng lợi khi thực hiện hoạt động du lịch có trách nhiệm. Những yêu cầu đặt ra khi doanh nghiệp phát triển du lịch bền vững là không ảnh hưởng đến môi trường, tránh ảnh hưởng tiêu cực đến những khu vực rộng lớn. Đồng thời tập trung phát triển những khu vực nhỏ như các buôn làng, cộng đồng dân cư mà ít bị ảnh hưởng về văn hóa và xã hội. Lợi nhuận thu được sẽ chia sẻ với người dân địa phương và cộng đồng. Quan điểm phát triển du lịch có trách nhiệm và du lịch bền vững cùng chung một mục tiêu là hướng tới phát triển bền vững. Do đó, những tôn chỉ của du lịch có trách nhiệm và du lịch bền vững là: toàn vẹn môi trường, công bằng và hòa nhập xã hội, phát triển kinh tế và bảo tồn văn hóa. Quan điểm này đang được quan tâm và phổ biến rộng rãi trong bối cảnh hiện nay. Thứ hai: Nhóm xu hướng phát triển thị trường và sản phẩm - Xu hướng tăng trưởng của thị trường khách du lịch thế giới Theo dự báo của Tổ chức du lịch thế giới của Liên hợp quốc, trong giai đoạn 2010 đến 2030, tăng trưởng về khách du lịch sẽ đạt 3,3%/năm. Trong giai đoạn này, tỉ lệ tăng trưởng sẽ không có đột biến, tăng và giảm với biên độ thấp và đạt từ 3,8% tăng trưởng vào năm 2012 và đạt 2,9% vào năm 2030. Lượng khách du lịch quốc tế sẽ đạt 1,4 tỉ lượt vào năm 2020 và đạt 1,8 tỉ lượt vào năm 2030. Trong giai đoạn này, khách du lịch quốc tế có xu hướng đi du lịch các quốc gia đang phát triển sẽ nhiều hơn so với các quốc gia phát triển. Theo dự báo, lượng khách du lịch đến các khu vực như Châu Á, Châu Mỹ La Tinh, khu vực Trung và Đông Âu, Đông Địa Trung Hải, Trung Đông và Châu Phi sẽ tăng trưởng 4,4% gấp đôi so với tỉ lệ tăng trưởng 2,2% tại các nước phát triển. Từ năm 2015, lượng khách đến các quốc gia đang phát triển sẽ tăng trưởng mạnh hơn các quốc gia phát triển và dự báo đến năm 2030, sẽ có 57% lượng khách du lịch sẽ đến du lịch các quốc gia đang phát triển và 43% khách du lịch đến với các quốc gia phát triển. Xem xét ở góc độ khu vực, khu vực tăng trưởng khách du lịch mạnh nhất là khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, dự báo lượng khách sẽ tăng từ 331 triệu lên tới 535 triệu lượt khách vào năm 2030 với tỉ lệ tăng trưởng 4,9%/năm. Khu vực Trung Đông và Châu Phi lượng khách sẽ tăng trưởng tương ứng lên từ 61 triệu khách đến 149 triệu lượt khách và từ 50 triệu khách đến 134 triệu lượt khách vào năm 2030. Lượng khách đến với khu vực Châu Mỹ sẽ tăng từ 150 triệu khách đến 248 triệu lượt khách. Trong khi đó, lượng khách tới khu vực Châu Âu tăng từ 475 triệu đến 744 triệu lượt khách. So sánh các tỉ lệ 3

tăng trưởng trên đây, khẳng định khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, lượng khách du lịch tăng mạnh hơn cả (UNWTO Tourism Highlights, 2013 Edition, p.15). - Sự tương đồng về sản phẩm và chất lượng sản phẩm, dịch vụ du lịch Cùng với xu hướng gia tăng mạnh mẽ nhu cầu du lịch trên toàn cầu vì các nguyên nhân của xu thế toàn cầu hóa, bối cảnh hội nhập kinh tế, sự phát triển của công nghệ thông tin, sự thuận tiện của các phương tiện kết nối các vùng miền, giao lưu văn hóa, kinh tế, ngoại giao, chính trị phát triển mạnh, nhiều di sản thế giới gồm cả thiên nhiên, văn hóa dưới dạng vật thể và phi vật thể được được UNESCO công nhận, đóng góp tích cực cho việc đa dạng hóa, bảo tồn và phát huy các giá trị tài nguyên du lịch, góp phần đưa tài nguyên du lịch đã được công nhận là di sản thế giới trở thành tài nguyên du lịch có giá trị mang tính toàn cầu. Mặt khác, trong bối cảnh hội nhập quốc tế, các công ty đa quốc gia, tập đoàn xuyên quốc gia về dịch vụ du lịch đã xuất khẩu tư bản đi khắp nơi trên thế giới tạo cơ sở cho các dịch vụ du lịch có chất lượng tương đồng không khác biệt nhiều khi so sánh giữa các nước phát triển và các nước kém phát triển, do vậy sự lựa chọn đi du lịch dễ dàng và đa dạng hơn, theo đó, hoạt động du lịch diễn ra nhanh và đơn giản hơn trước đây. Đồng thời cũng làm gia tăng tính cạnh tranh giữa các quốc gia và điểm đến du lịch. - Ứng dụng rộng rãi công nghệ thông tin, e-market trong du lịch Công nghệ thông tin phát triển, các hệ thống như: Hệ thống đặt chỗ CRS (Computer Reservation System), Hệ thống phân phối toàn cầu GDS (Global Distribution System) đã phát triển mạnh, phân phối sản phẩm thông qua hệ thống các hãng lữ hành hoặc các cơ sở phân phối hàng hóa khác trên cơ sở tiếp thu những mặt mạnh của công nghệ thông tin. Việc ứng dụng này đang tạo ra sự kết nối giữa các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ du lịch trên cùng một hệ thống, tạo cơ sở cho việc cung cấp sản phẩm, bán và tiêu dùng sản phẩm ngày càng đơn giản tiện lợi, tiết kiệm thời gian, chi phí cho khách du lịch và từ đó kích thích nhu cầu du lịch tăng cao hơn. - Gia tăng liên kết, hợp tác quốc tế trong phát triển du lịch Trong bối cảnh phát triển hoạt động giao lưu kinh tế mạnh mẽ như hiện nay, du lịch được xác định là một ngành đem lại giá trị kinh tế lớn, ngoài ra du lịch còn có vai trò giúp tăng cường hiểu biết và chia sẻ giữa các quốc gia, vùng miền, do vậy việc các quốc gia trên thế giới liên kết để phát triển du lịch ngày càng trở lên phổ biến thông qua việc ký kết các hiệp định song phương về phát triển du lịch hoặc lồng ghép trong các hiệp định thương mại giữa các quốc gia ngày càng nhiều. Những hiệp định này đóng vai trò làm tiền đề cho du lịch quốc tế ngày càng phát triển vượt bậc.

4

Bên cạnh đó, ngoài sự liên kết trong xúc tiến quảng bá khai thác thị trường chung, việc các quốc gia tham gia các tổ chức quốc tế về du lịch trong khu vực cũng như trên thế giới ngày càng phổ biến. Thông qua đó, các quốc gia chia sẻ kinh nghiệm trong phát triển du lịch, liên kết phát triển sản phẩm du lịch, kết nối tuyến điểm du lịch giữa các quốc gia. Trên cơ sở đó, các quốc gia có điều kiện và cơ sở để phát triển sản phẩm du lịch mới, góp phần gia tăng sự hấp dẫn của các sản phẩm du lịch của từng quốc gia và nhóm các quốc gia tham gia hợp tác phát triển sản phẩm. Thứ ba: Xu hướng tiêu dùng của khách du lịch + Khách du lịch quan tâm tới môi trường trong quá trình đi du lịch Khách du lịch là một chủ thể quan trọng của hoạt động du lịch. Trong bối cảnh xu hướng phát triển của quan điểm phát triển bền vững, khách du lịch cũng có ý thức và kiến thức hơn về môi trường và ngày càng nhiều khách du lịch lựa chọn các sản phẩm du lịch thân thiện với môi trường và tích cực tham gia các chương trình du lịch kết hợp với hoạt động từ thiện hoặc tham gia bảo vệ môi trường tại điểm du lịch + Thay đổi trong lựa chọn điểm đến Do thay đổi trong nhu cầu và đề cao tính cá nhân, khách du lịch có xu hướng quan tâm nhiều đến những điểm du lịch mới, chưa có nhiều người biết đến để thỏa mãn nhu cầu tìm hiểu khám phá và thỏa mãn nhu cầu cá nhân. Xu hướng tránh những nơi tập trung nhiều khách du lịch đã trở thành một xu hướng phổ biến trong giai đoạn hiện nay. + Tính mềm dẻo trong lựa chọn dịch vụ và cá nhân hóa trong việc đi du lịch Trong giai đoạn phát triển du lịch đại chúng, du lịch đoàn thể theo đám đông rất phổ biến trong một thời gian dài, tuy vậy, trong giai đoạn hiện nay, việc cá nhân hóa trong hoạt động du lịch ngày càng phổ biến, số lượng khách du lịch có kinh nghiệm và được đào tạo, nhiều khách du lịch có nhu cầu mềm dẻo ngày càng nhiều. Khách du lịch chuyển dần từ hình thức đi theo đoàn thể của tổ chức, cơ quan nơi làm việc, sinh hoạt sang đi du lịch theo nhóm nhỏ gia đình, nhóm bạn bè thân hoặc một mình theo dạng FIT (free international tourist). Ngoài ra, xu hướng rút ngắn thời gian cho chuyến đi du lịch, nhưng tăng số lần đi, và quan tâm nhiều đến chất lượng dịch vụ du lịch. + Xu hướng cắt giảm chi tiêu trong quá trình đi du lịch Trong các giai đoạn trước đây, khách du lịch thường đi đến các địa điểm du lịch có khoảng cách xa nơi xuất phát, thời gian du lịch dài và có xu hướng tiêu dùng các dịch vụ và mua sắm với giá cao, tiêu dùng dịch vụ mang tính cao cấp, hàng hiệu. Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay, xu hướng cắt giảm chi tiêu đã thể hiện rõ nét thông qua việc lựa chọn các điểm đến gần, mua sắm các sản phẩm không phải hàng hiệu mà hướng đến các sản phẩm vừa để kỷ niệm chuyến đi vừa có thể sử dụng trong cuộc sống hàng ngày.

5

Du lịch Việt Nam cũng có xu hướng chung của du lịch thế giới đã nêu trên, tuy vậy, ngành Du lịch Việt Nam có những đặc thù nhất định trong phát triển. Hiện nay, ngành Du lịch đang triển khai thực hiện Chiến lược phát triển giai đoạn 2011 - 2020 tầm nhìn đến năm 2030. Theo đó, những định hướng cơ bản, xuyên suốt được xác định trong chiến lược bao gồm: Phát triển du lịch nhằm góp phần xóa đói giảm nghèo và làm giàu cho xã hội và Phát triển du lịch tạo điều kiện thúc đẩy các ngành kinh tế khác phát triển, mở rộng giao lưu văn hoá và nâng cao dân trí, phát triển nhân tố con người, đảm bảo an ninh quốc phòng và trật tự an toàn xã hội. Du lịch Việt Nam đã ký kết nhiều hiệp định song phương và chủ động tham gia các tổ chức quốc tế về du lịch, các hiệp định du lịch song phương với các quốc gia. Với việc tham gia Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), Việt Nam đã tham gia hội nhập đầy đủ trong các lĩnh vực trong đó có lĩnh vực du lịch với việc Ký kết thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau về nghề du lịch trong ASEAN (MRA-TP) với 6 nghề gồm: Lễ tân, Phục vụ buồng, Chế biến món ăn, Phục vụ nhà hàng, Đại lý du lịch và Điều hành tour với 32 chức danh nghề nghiệp có thể được luân chuyển trong nội bộ khu vực với sự thống nhất về tiêu chuẩn kỹ năng nghề chung và chương trình, giáo trình dùng chung. Vừa qua, ASEAN đã thống nhất và công bố chiến lược phát triển du lịch ASEAN tới năm 2025, định hướng đến năm 2030, Việt Nam tham gia tích cực để thực hiện chiến lược chung của các quốc gia trong khu vực. Bên cạnh đó, sự đa dạng hóa chủ thể tham gia kinh doanh du lịch là xu hướng phát triển kinh doanh dịch vụ du lịch hiện nay ở Việt Nam, theo đó, nhiều doanh nghiệp kinh doanh du lịch có xuất phát điểm không phải gốc là doanh nghiệp du lịch mà từ nhiều ngành, nghề liên quan tham gia hoạt động kinh doanh du lịch, như kinh doanh thương mại, xây dựng, xuất nhập khẩu, thực phẩm, nông nghiệp, các tổ chức xã hội... 2. Xu hướng phát triển các loại hình du lịch 2.1. Loại hình du lịch Loại hình du lịch là một dạng thức chỉ rõ sự phụ thuộc vào nguồn tài nguyên thiên nhiên và các dạng sản phẩm thể hiện hình thái hoạt động của chủ thể tham gia quá trình du lịch là khách du lịch. Mỗi loại hình du lịch có một nhóm sản phẩm thỏa mãn các mục đích khách nhau của các tập thị trường khách khác nhau. Khi đi du lịch, khách du lịch có thể xuất phát từ những mục đích, động cơ rất khác nhau như đi nghỉ dưỡng, đi thăm họ hàng, đi công tác, đi vì mục đích giải trí, đi tìm hiểu văn hóa… Căn cứ vào mục đích đi du lịch, có thể chia hoạt động du lịch thành hai loại hình, gồm: Du lịch thuần túy: Là loại hình du lịch mà khách du lịch đi với mục đích thuần túy là để giải trí, nghỉ dưỡng, tham quan, tìm hiểu, khám phá. Du lịch kết hợp: Là loại hình du lịch mà mục đích chính của khách đi là để thỏa mãn một nhu cầu khác, nhưng có kết hợp để thỏa mãn nhu cầu du lịch trong chuyến đi đó. 6

Đồng thời cùng với sự phát triển của khoa học - kỹ thuật, kinh tế - xã hội đã xuất hiện nhiều loại hình du lịch mới, cụ thể: Du lịch sinh thái, Du lịch cộng đồng, Du lịch vũ trụ, Du lịch tàu biển, Du lịch MICE, Du lịch Thiền (Zentourism - ZT.) (Lê Anh Tuấn, Nguyễn Thị Mai Sinh (2014)). 2.2. Xu hướng phát triển các loại hình du lịch tại Việt Nam - Xu hướng trên thế giới Đáp ứng theo quan điểm phát triển du lịch bền vững đồng thời với sự gia tăng của nhu cầu thị trường, nhiều loại hình du lịch mới thân thiện với môi trường tự nhiên và văn hóa truyền thống bản địa được quan tâm phát triển và dần trở thành các loại hình du lịch phổ biến trong giai đoạn hiện nay. - Xu hướng tại Việt Nam Trong bối cảnh du lịch thế giới hiện nay đang kêu gọi triển khai các loại hình du lịch mới thân thiện với môi trường. Quan điểm phát triển bền vững đã được giới thiệu tới các doanh nghiệp, và bản thân doanh nghiệp du lịch cũng đang tiếp cận để triển khai thực hiện. Theo đó, định hướng phát triển các loại hình du lịch có sự tham gia của các thành phần kinh tế, có sự tham gia của cộng đồng cư dân địa phương, san sẻ quyền lợi bình đẳng giữa các chủ thể tham gia quá trình phát triển. Các loại hình du lịch mới đang được quan tâm phát triển mạnh mẽ ở Việt Nam để đáp ứng nhu cầu của khách du lịch như: Du lịch ẩm thực, Du lịch thiện nguyện/Từ thiện, Du lịch chữa bệnh... Tại Việt Nam, bên cạnh những loại hình và sản phẩm du lịch truyền thống, thời gian qua một số loại hình du lịch mới được phát triển và dần được xã hội quan tâm, cụ thể: + Loại hình du lịch kết hợp làm từ thiện/du lịch thiện nguyện Đây là loại hình du lịch kết hợp, tuy đã được xã hội và các doanh nghiệp quan tâm nhưng vẫn còn là loại hình du lịch mới. Đối tượng khách du lịch chủ yếu là khách nước ngoài, trong khi đó lượng khách du lịch nội địa thực sự chưa nhiều, hầu hết những khách du lịch nội địa là những người trẻ tuổi có kiến thức, trình độ, niềm tin và tấm lòng chia sẻ với cộng đồng. Hiện nay, một số doanh nghiệp du lịch như: công ty Buffalo Tours, Saigontourist, công ty du lịch Lửa Việt, Saigontourist, Vietravel, Hanoi Redtours… đang xây dựng các chương trình du lịch kết hợp làm từ thiện. Các doanh nghiệp trên đây đã xây dựng nhiều chương trình tour, kết hợp việc tổ chức các hoạt động từ thiện tới các trường học khó khăn về cơ sở hạ tầng thuộc các tỉnh vùng núi phía Bắc, như Hà Giang, Lai Châu, Cao Bằng, Lào Cai, Sơn La, Lai Châu, Điện Biên. Bên cạnh đó, có doanh nghiệp đã và đang thực hiện các chương trình du lịch kết hợp làm từ thiện giúp đỡ các học sinh khiếm thị, nạn nhân chất độc da cam, bệnh nhân nghèo, nạn nhân bão lụt,

7

giúp đỡ các trẻ em tật nguyền ở các trung tâm nuôi dưỡng bảo trợ xã hội; khám chữa bệnh miễn phí cho người dân nghèo…. + Loại hình du lịch sức khỏe/ du lịch chữa bệnh Ở Việt Nam, việc sử dụng các tài nguyên thiên nhiên như các nguồn nước nóng, bùn, các loại cây lá thuốc, các điều kiện khí hậu để phục vụ cho nhu cầu tăng cường sức khoẻ, nghỉ dưỡng và chữa bệnh cũng đã được hình thành và phát triển. Sau khu nghỉ dưỡng sử dụng nguồn nước khoáng như Kim Bôi tỉnh Hoà Bình, các khu nghỉ dưỡng gắn với việc tắm suối nước khoáng nóng ngày càng được quan tâm và phát triển mạnh ở nhiều địa phương trong những thập kỷ 90 của thế kỷ 20 và trong những năm gần đây. Các địa phương có những khu nghỉ dưỡng gắn với các nguồn suối nước nóng thu hút được nhiều du khách như Khánh Hòa, Thừa thiên Huế, Hoà Bình, Hải Phòng... đặc biệt, gần đây loại hình dùng lá thuốc để tắm với mục đích hồi phục sức khỏe, xả stress cũng được phát triển ở một số tỉnh phía bắc như SaPa, Lào Cai… + Loại hình du lịch ẩm thực Ẩm thực được coi là một trong những nét văn hóa cần được khai thác, chắt lọc, với sự khác biệt trong nguyên liệu, cách thức chế biến và phong cách phục vụ và giá trị tinh thần của văn hóa ẩm thực đã nâng tầm và đưa ẩm thực lên một tầm cao hơn với việc ẩm thực trở thành một đối tượng tham quan, trải nghiệm như một yếu tố của tài nguyên du lịch văn hóa nhân văn. Đối tượng khách du lịch ẩm thực đã rộng hơn, đa dạng hơn trong những năm gần đây. Nắm bắt được nhu cầu thị trường, các doanh nghiệp lữ hành và khách sạn đã nghiên cứu xây dựng các chương trình du lịch ngắn ngày, kết hợp trong các chương trình du lịch lớn hoặc xây dựng nhiều chương trình du lịch và trải nghiệm từ việc lên thực đơn, đi chợ truyền thống mua nguyên liệu và tự nấu món ăn Việt cho các đối tượng khách trong đó có cả đối tượng khách du lịch nội địa. Các chương trình du lịch hiện vẫn đang được bán phục vụ khách du lịch ở một số điểm du lịch nổi tiếng như Huế, Hà Nội, Đà Nẵng và Tp. Hồ Chí Minh và các trung tâm du lịch lớn khác: Tour ẩm thực Huế của doanh nghiệp Du lịch Huế, Tour du lịch ẩm thực Đà Nẵng nửa ngày, Tour ẩm thực Huế về đêm của doanh nghiệp Viet Fun Travel, Tour du lịch ẩm thực Huế về đêm của doanh nghiệp Sinh Cafe, Tour tham quan và khám phá ẩm thực Sài Gòn của doanh nghiệp ITE Service, Tour tham quan dạy nấu ăn đặc sản Huế của Eagle Tourist... Bên cạnh đó, một hình thức du lịch ẩm thực trong đó khách du lịch trải nghiệm việc đi chợ, nấu nướng và thưởng thức món ăn Việt hiện nay cũng rất phổ biến trong sự kết hợp giữa các doanh nghiệp lữ hành và các Khách sạn và Nhà hàng nổi tiếng tại Hà Nội, những sản phẩm này có tên gọi Tour dạy người nước ngoài nấu ăn, được các doanh nghiệp lớn như Diethelm Travel, Hương Việt JSC, Indochina Travel Service, Tonkin, Exotissimo... triển khai thực hiện. Ngoài ra, Saigontourist còn tổ chức chương trình du lịch Ẩm thực xuyên Việt cho khách du lịch nước ngoài, đồng thời tổ 8

chức nhiều chương trình du lịch trải nghiệm dạy nấu ăn cho các đối tượng khách tại các khách sạn lớn trong hệ thống tại TP. Hồ Chí Minh. Ngoài ra, hiện nay ở Việt Nam cũng đã phát triển mạnh các loại hình du lịch gắn với sự phát triển của kinh tế xã hội và thu nhập cá nhân như: trào lưu du lịch sử dụng xe cá nhân - My car, Du lịch phượt... đang phát triển mạnh tại Việt Nam trong giai đoạn hiện nay. 3. Một số vấn đề đặt ra đối với ngành Du lịch ở Việt Nam - Cần có hành lang pháp lý phù hợp Với thực trạng các loại hình du lịch mới được quan tâm phát triển để phục vụ nhu cầu của thị trường, trước sự thay đổi về nhu cầu của khách du lịch, các loại hình du lịch mới, dần được hình thành và phát triển trong thực tế. Tuy nhiên, với sự phát triển của các loại hình du lịch như hiện nay, vần đề quản lý như thế nào, để vừa đảm bảo phát triển các loại hình du lịch mang lại hiệu quả kinh tế, thỏa mãn nhu cầu của khách du lịch tức là đảm bảo hiệu quả xã hội, đặc biệt là đảm bảo các yếu tố như quyền lợi của khách du lịch, mục tiêu của doanh nghiệp.... Việc quản lý các loại hình du lịch đòi hỏi cần có những điều khoản quy định trong các văn bản pháp luật để quản lý và phát triển các loại hình du lịch, đảm bảo tạo hành lang cho các doanh nghiệp nghiên cứu phát triển các loại hình đồng thời song hành với nó là việc các cơ quan quản lý có cơ sở để triển khai quản lý cho phù hợp với thực tiễn phát triển của ngành du lịch. Sự phát triển của các loại hình du lịch mới, đòi hỏi cần có những hành lang pháp lý để góp phần quản lý và phát triển du lịch. Như vậy, việc nghiên cứu xu hướng phát triển, cập nhật avf điều chỉnh hành lang pháp lý kịp thời sẽ là vấn đề cần được ngành Du lịch quan tâm triển khai để tạo hành lang cho các loại hình du lịch phát triển, tạo cơ sở cho công tác quản lý phù hợp với tình hình mới. - Nhận thức, quan điểm về các loại hình du lịch mới Việc phát triển các loại hình du lịch mới phụ thuộc vào nhu cầu của thị trường, đồng thời như trên đã phân tích, nhu cầu của khách du lịch có nhiều biến đổi, như vậy, đó là cơ sở để phát triển của loại hình du lịch mới, ngày càng có nhiều loại hình du lịch phát triển có xu hướng khác biệt so với các loại hình du lịch mang tính truyền thống đã có thời gian phát triển tương đối dài. Nhu cầu của khách du lịch ngày càng phân tán, khác biệt và đa dạng hơn trước đây, họ muốn du lịch sẽ là một hoạt động được kết hợp nhiều mục đích chứ không thuần túy là sự tham quan trải nghiệm sự khác biệt về văn hóa, cảnh quan thiện nhiên, mà vấn đề là họ kết hợp với du lịch để thỏa mãn nhu cầu tự thân như được thể hiện mình nhiều hơn, thể hiện trách nhiệm của bản thân đối với xã hội, với cộng đồng. Hoặc đơn giản là hoạt động nhằm học tập những cách thức để phục vụ chính bản thân sau khi đi du lịch. Như vậy, nhận thức về các loại hình du lịch mới và việc phát triển các loại hình du lịch 9

mới ngày càng cần thiết và điều đó sẽ giúp cho việc phát triển loại hình du lịch, đa dạng hóa các sản phẩm và góp phần phát triển ngành du lịch nói chung. Tuy nhiên, việc thừa nhận một loại hình du lịch mới không dễ dàng vì nhận thức, quan điểm của các tầng lớp, các chủ thể trong xã hội chưa theo kịp. Vấn đề này đặt ra là cần có những hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức của các tầng lớp trong xã hội trong vấn đề phát triển các loại hình du lịch hiện đại trong bối cảnh và không gian mới. Đồng thời, càn có sự đi trước tiên phong của các doanh nghiệp du lịch trong nghiên cứu, phát triển và thử nghiệm các loại hình du lịch mới, tiếp cận nhu cầu tiều dùng và kích thức được nhu cầu tiêu dùng để phát triển doanh nghiệp nói riêng và phát triển ngành Du lịch Việt Nam nói chung. - Nhìn nhận thấu đáo thách thức trong hội nhập khu vực và quốc tế Hội nhập khu vực và quốc tế đặt ra nhiều cơ hội và thách thức đối vối ngành du lịch. Việc gia tăng khả năng cạnh tranh trong chất lượng dịch vụ, sự tương đồng trong chất lượng dịch vụ, sự thống nhất về tiêu chuẩn chất lượng, sự tương đồng về nhu cầu và chung chiến lược phát triển, các hiệp định song phương và đa phương đã làm gia tăng thách thức về cạnh tranh trong phát triển du lịch. Như vậy, vấn đề thách thức đặt ra trước ngành Du lịch Việt Nam là việc nghiên cứu phát triển các loại hình du lịch, các sản phẩm du lịch mang tính đặc thù, mang tính mới và có sự khác biệt so với các quốc gia khác sẽ là điều kiện để du lịch các quốc gia phát triển. Việc này đặt lên vai các nhà quản lý, các nhà nghiên cứu và các doanh nghiệp du lịch cần có những nghiên cứu thị trường, các đối thủ cạnh tranh, căn cứ vào các điều kiện thực tế của ngành du lịch nói chung, vào năng lực của doanh nghiệp để phát triển những loại hình, sản phẩm du lịch mới, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng dịch vụ, đáp ứng với nhu cầu phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh cho ngành du lịch. Đã đến lúc các doanh nghiệp nói không với việc sao chép các sản phẩm du lịch, thiếu tính sáng tạo, thiếu tính đột phá, ngại thử nghiệm để phát triển các sản phẩm có đặc thù riêng. - Tăng cường khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu Trong bối cảnh biến đổi khí hậu diễn ra ngày càng mạnh và với các cấp độ khắc nghiệt hơn trước đây, những người làm du lịch từ các cấp quản lý đến các doanh nghiệp và các chủ thể khác cần quan tâm đến việc Biến đổi khí hậu sẽ làm cho các sản phẩm du lịch truyền thống mai một và mất đi, những điều kiện trong thực tế do biến đổi khí hậu đã không còn giá trị để phát triển các sản phẩm truyền thống nữa, vấn đề là thích ứng với biến đổi khí hậu và biến chính những ảnh hưởng bất lợi của biến đổi khí hậu đối với tài nguyên và môi trường du lịch thành những tiền đề để phát triển các loại hình và sản phẩm du lịch mới. 10

Điều này đòi hỏi các nhà làm du lịch (tourism maker) có những sáng tạo và những suy nghĩ mang tính đột phá để tạo ra các sản phẩm mới dựa trên những bất lợi của thiên nhiên. Đây là những sáng tạo cần được phát huy và nuôi dưỡng để phát triển du lịch. 4. Kết luận Như trên đã đề cập, bối cảnh xu hướng phát triển du lịch trên thế giới và Việt Nam, những thay đổi trong nhu cầu của khách du lịch, bên cạnh đó, sự thay đổi của môi trường kinh doanh du lịch, bối cảnh của hợp tác, hội nhập quốc tế đang diễn ra mạnh mẽ và sâu rộng như hiện nay, việc nhiều loại hình du lịch mới được quan tâm phát triển mạnh mẽ, trong đó có một số loại hình du lịch như Du lịch kết hợp làm từ thiện, Du lịch chữa bệnh, Du lịch ẩm thực... Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là cần có hành lang pháp lý, phù hợp, có đủ cơ sở để quản lý tốt các loại hình du lịch, đảm bảo quyền lợi của các bên tham gia và đặc biệt là để đảm bảo phát triển ngành du lịch. Bên cạnh đó, việc nâng cao nhận thức của các chủ thể trong xã hội đối với việc phát triển các loại hình du lịch mới, thích ứng với biến đổi khí hậu, thích ứng với hội nhập quốc tế là những vấn đề đặt ra đối với ngành du lịch Việt Nam trong bối cảnh hiện nay. 5. Tài liệu tham khảo - Trần Công Danh (2014), Nghiên cứu phát triển du lịch kết hợp với hoạt động thiện nguyện tại thành phố Hồ Chí Minh, Luận văn thạc sĩ, Đại học khoa học xã hội và nhân văn, Đại học quốc gia Hà Nội. - Nguyễn Mạnh Ty và cộng sự (2007), Thực trạng và giải pháp đẩy mạnh loại hình du lịch chữa bệnh tại Việt nam, Đề tài khoa học và công nghệ cấp Bộ (Tổng cục Du lịch Việt Nam). - Lê Anh Tuấn, Nguyễn Thị Mai Sinh (2014), Tổng quan Du lịch, Giáo trình cấp Bộ, Bộ VHTTDL, Nhà xuất bản Giáo dục, Hà Nội. - Lê Anh Tuấn (2015), Ẩm thực - sản phẩm du lịch hấp dẫn, Tạp chí Du lịch Việt Nam, số 10/2015, pp. 28, 29. - Lê Anh Tuấn, Nguyễn Hồng Nhung (2012), Du lịch kết hợp làm từ thiện, Tạp chí Du lịch Việt Nam, số 10/2012, pp. 23, 24 - Truyền hình cáp Việt Nam (vtc), Hà Nội: Tour dạy người nước ngoài nấu ăn, vtc.vn/ha-noi-tour-day-nguoi-nuoc-ngoai-nau-an.13.1283.html (Tham khảo tháng 9 năm 2015). - Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn, Du lịch kết hợp ẩm thực Việt, saigontourist.hochiminhcity.gov.vn/news (Tham khảo 9/2015). - UNWTO, Tourism Highlights, 2013 Edition, p.15. 11

12

11. LE ANH TUAN.pdf

HÆ¡n nữa, du lịch cÅ©ng tạo ra nhiều việc làm. với tỉ lệ 1/15 so với toàn bộ lá»±c lượng lao động trên toàn thế giới. Lượng khách du lịch. quốc tế tăng trưởng hàng ...

387KB Sizes 2 Downloads 160 Views

Recommend Documents

ANH VAN 11-dehk1-121-1011.pdf
live in different regions of the world. ... Chewing gum ______ in Sweden in 1993. ... Although born in Germany, ______ a citizen of the United States in 1940.

Le Figaro Ene-13-2017 01-11.pdf
There was a problem previewing this document. Retrying... Download. Connect more apps... Try one of the apps below to open or edit this item. Le Figaro ...

11 - Le secret de la licorne.pdf
11 - Le secret de la licorne.pdf. 11 - Le secret de la licorne.pdf. Open. Extract. Open with. Sign In. Main menu. Displaying 11 - Le secret de la licorne.pdf. Page 1 ...

Anh 8.pdf
A. It didn't work B. It's doesn't C. It hasn't work D. It won't work. 6. The poem ___________by Clement Clark Moore became popular in the USA. A. write .... Tổng điểm toàn bài: 10 điểm (không làm tròn điểm). -THE END-. Page 3 of 3. An

BO BAI TAP TRAC NGHIEM tieng ANH 11.pdf
People he ______ turned out to be only fair-weather friends. a. trusted b. has trusted c. .... Displaying BO BAI TAP TRAC NGHIEM tieng ANH 11.pdf. Page 1 of 65.

Từ-vựng-tiếng-Anh-lớp-11-cả-năm.pdf
tên trộm. quay đi, bỏ đi. con rùa. không thể quên. nắm tiền. vẩy tay. Page 3 of 15. Từ-vựng-tiếng-Anh-lớp-11-cả-năm.pdf. Từ-vựng-tiếng-Anh-lớp-11-cả-năm.pdf.

De-Anh-THPTQG-2016.pdf
Question 6: In the wake of increasing food poisoning, many consumers have ... Question 19: The table in the living room should be moved to ______ the new TV set. ... names like Firinga or Katrina, tropical cyclones are huge rotating storms.

Anh Van B - Book.pdf
Passage 1 1B 2A 3D 4C 5B. Passage 2 1C 2D 3D 4A 5B. Passage 3 1D 2C 3D 4C 5D. Passage 4 1C 2A 3D 4B 5C. Passage 5 1C 2A 3C 4A 5C. Passage 6 1B ...

conte-asie-le-petit-chacal-et-le-chameau.pdf
entre les deux bosses, et le chameau. traversa la rivière à la nage. Quand. ils furent sur le bord, le petit chacal. sauta à terre, indiqua au chameau le. champ de ...

12 - Le Tresor de rackham le rouge.pdf
the 2016 Acquisition for 1Q 2017. Whoops! There was a problem loading this page. Retrying... Whoops! There was a problem loading this page. Retrying... 12 - Le Tresor de rackham le rouge.pdf. 12 - Le Tresor de rackham le rouge.pdf. Open. Extract. Ope

le CA.pdf
There was a problem previewing this document. Retrying... Download. Connect more apps... le CA.pdf. le CA.pdf. Open. Extract. Open with. Sign In. Main menu.

Le sauna.pdf
There was a problem previewing this document. Retrying... Download. Connect more apps... Try one of the apps below to open or edit this item. Le sauna.pdf.

Selfie le le re remix mp3 download
28 Nov 2017 - Bangladesh, India, Pakistan MP3, 3GP, MP4, HD, MKV, Avi Selfie Le. Le Re Remix DJ Chetas VDJ Susmoy Bajrangi Bhaijaan 2015 2016 all video Free Download Download Selfie Le Le Re Remix DJ Chetas VDJ. Susmoy Bajrangi Bhaijaan 2015 clear pr

12 - Le Tresor de rackham le rouge.pdf
12 - Le Tresor de rackham le rouge.pdf. 12 - Le Tresor de rackham le rouge.pdf. Open. Extract. Open with. Sign In. Main menu. Displaying 12 - Le Tresor de ...

Laure Marino - Le big data bouscule le droit.pdf
Laure Marino - Le big data bouscule le droit.pdf. Laure Marino - Le big data bouscule le droit.pdf. Open. Extract. Open with. Sign In. Main menu.Missing:

KQ A Anh van K80.pdf
Loading… Whoops! There was a problem loading more pages. Retrying... Whoops! There was a problem previewing this document. Retrying... Download. Connect more apps... Try one of the apps below to open or edit this item. KQ A Anh van K80.pdf. KQ A An

Luyen phat am tieng Anh My - phamloc120893.pdf
Phone/SMS 24/7: 01646191643. 0909308691. GIAO HAØNG Mua saùch vaø löïa choïn tröïc tieáp: Ngaõ ba Xoâ Vieát Ngheä Tænh vaø D5(ñeán thì phone).

Anh HK1 Lop 12 - DE 1.pdf
Page 1 of 18. 1 Truy cập trang http://tuyensinh247.com/ để học Toán – Lý – Hóa – Sinh – Văn – Anh – Sử -. Địa – GDCD tốt nhất! ĐỀ THI HỌC KỲ I - ĐỀ SỐ 1. Môn: Tiếng Anh 12. Thời gian làm bài: 60 ph

Le Quitus.pdf
There was a problem previewing this document. Retrying... Download. Connect more apps... Try one of the apps below to open or edit this item. Le Quitus.pdf.

LE SONDAGE.pdf
En complément de la pétition : http://www.change.org/parentsdenfantsdifferents. qui à ce jour totalise plus de 44830 signatures. pour démontrer ce véritable ...

Le Mag_GLB_MauduitMavelle.pdf
timih icaperf icaperce ad cotati cepere per interum condam,. omachus, nostiam num face aurnitr aribemp onterfe cto. -. raeciis. Rum perfecerum prei poraes ...

Le pardon.pdf
déplaît; pardonnez-moi, par les mérites de. Jésus Christ, mon Sauveur; je me propose,. avec votre sainte grâce, de ne plus vous. offenser et de faire pénitence.